Giải cứu cô dâu 9 tuổi ở Afghanistan: Khi các bé gái bán mình cứu gia đình
Tháng trước, CNN đưa tin Parwana và một số bé gái khác bị bố các em gả bán để gia đình có cái ăn. Lúc đó, bố của Parwana, anh Abdul Malik, kể rằng, con gái khóc ròng cả ngày lẫn đêm, cầu xin bố đừng gả bán mình. Parwana nói em muốn đến trường.
Sau sự phản đối kịch liệt của quốc tế, Parwana được trả lại cho gia đình. Chồng của Parwana, chính xác là người mua bé, bị cộng đồng phản ứng dữ dội.
Tổ chức phi lợi nhuận Mỹ Too Young to Wed (TYTW - Quá trẻ để lấy chồng) đã tham gia việc đưa các bé gái bị gả bán, anh chị em và mẹ của các bé đến một ngôi nhà an toàn.
Bà Stephanie Sinclair, người sáng lập TYTW, nói: “Đây chỉ là một giải pháp tạm thời. Nhưng thực sự những gì chúng tôi đang cố gắng làm là ngăn các bé gái bị gả bán”.
Trả giá bằng cơ thể và mạng sống
Các huyết mạch kinh tế Afghanistan đã bị cắt đứt kể từ giữa tháng 8 khi Taliban trở lại nắm quyền kiểm soát sau khi các lực lượng Mỹ và đồng minh rời đi. Hàng tỷ đô la tài sản trong ngân hàng trung ương đã bị phong tỏa, các ngân hàng thương mại dần cạn kiệt tiền mặt, người lao động không được nhận lương trong nhiều tháng.
Các cơ quan viện trợ và nhóm nhân quyền cảnh báo rằng, những người nghèo nhất ở Afghanistan đang phải đối mặt nạn đói trong mùa đông lạnh giá này.
Theo một báo cáo gần đây của IPC, tổ chức đánh giá tình trạng mất an ninh lương thực, hơn một nửa trong số khoảng 39 triệu dân của Afghanistan sẽ phải đối mặt tình trạng đói cấp độ khẩn cấp vào tháng 3/2022. Báo cáo ước tính, hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang bị suy dinh dưỡng cấp tính.
“Cộng đồng quốc tế đang quay lưng khi đất nước đứng trước bờ vực của thảm họa nhân tai, thảm họa do con người tạo ra”, ông Dominik Stillhart, giám đốc hoạt động của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC), nhận định. Ông Stillhart vừa về nước sau 6 ngày tìm hiểu tình hình thực tế ở Afghanistan.
Ngay cả trước khi Taliban tiếp quản, nạn đói đã hoành hành khắp Afghanistan, và giờ đây nhiều bé gái đang phải trả giá bằng cơ thể và mạng sống của mình.
Nhà hoạt động vì quyền phụ nữ hàng đầu Afghanistan, bà Mahbouba Seraj, nói với CNN: “Các cô gái trẻ Afghanistan đang trở thành cái giá của thực phẩm. Bởi vì nếu không gả bán, gia đình họ sẽ chết đói”.
Mặc dù kết hôn dưới 15 tuổi là bất hợp pháp ở Afghanistan, nhưng nạn tảo hôn đã phổ biến trong nhiều năm, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi. Và tình hình trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng 8, khi nhiều gia đình đói kém hơn.
Bà Seraj nói: “Có rất nhiều sự đau khổ, có rất nhiều sự ngược đãi, có rất nhiều sự lạm dụng liên quan đến những điều này”. Bà cho biết, một số bé gái bị ép buộc phải kết hôn đã tử vong khi sinh con vì cơ thể của các nạn nhân tảo hôn quá non nớt.
Phụ nữ từ lâu đã bị coi là công dân hạng hai ở Afghanistan, quốc gia “đội sổ” thế giới về phụ nữ trong Chỉ số Phụ nữ, Hòa bình và An ninh năm 2021.
Và từ khi Taliban lên nắm quyền, nhiều quyền cơ bản mà phụ nữ đấu tranh trong hơn hai thập kỷ qua đã bị tước bỏ. Giáo dục cho trẻ em gái bị hạn chế, phụ nữ bị cấm đến một số nơi làm việc, nữ diễn viên không còn được xuất hiện trong các bộ phim truyền hình…
Thoát kiếp nô lệ
Sau hành trình kéo dài 4 giờ qua những con đường núi, đến đêm, gia đình Parwana mới đến được một khách sạn nhỏ ở Herat, thành phố lớn thứ ba của Afghanistan. Cả nhà được một đại diện địa phương của TYTW hộ tống. Đi cùng lũ nhóc là bà mẹ trẻ Reza Gul và anh trai cô tên là Payinda.
Reza Gul và Payinda nói với CNN rằng, bố của Parwana gả bán con gái 9 tuổi trái với mong muốn của họ. “Tất nhiên, tôi rất tức giận, tôi đã chiến đấu với anh ta, và tôi đã khóc. Anh ta nói rằng, anh ta không có bất kỳ lựa chọn nào", Reza Gul kể.
CNN đã được phép quay cảnh gả bán Parwana ngày 24/10 cho một người đàn ông 55 tuổi với mái tóc bạc trắng để lấy tiền mặt, cừu và mảnh đất trị giá khoảng 2.200 USD (50 triệu đồng).
“Bố cháu bán cháu vì nhà không còn bánh mì, gạo và bột mì. Bố cháu đã bán cháu cho một ông già”, Parwana nói với CNN vào thời điểm đó.
Người mua, Qorban, nói với CNN rằng, đây sẽ là “cuộc hôn nhân thứ hai” của ông ta và khẳng định Parwana sẽ được đối xử tử tế.
Mẹ của Parwana cho biết con gái cô đã cầu xin trở về nhà và được phép trở lại thăm gia đình một vài lần. “Cháu nói rằng, cháu bị đánh, và cháu không muốn ở lại đó”, Reza Gul kể.
“Họ đối xử tệ với cháu, họ chửi bới cháu, họ đánh thức cháu từ sáng sớm và bắt cháu phải làm việc”, Parwana kể.
Sau khi câu chuyện về hoàn cảnh của Parwana được đăng tải, cộng đồng phẫn nộ, khiến Qorban phải lẩn tránh. Kể từ đó, CNN không thể liên lạc với Qorban hoặc gia đình ông ta.
Trong một cuộc phỏng vấn của CNN, bố của Parwana cho biết, anh cũng bị chỉ trích và cảm thấy áp lực khi phải thay đổi câu chuyện về cuộc gả bán con gái trong các cuộc phỏng vấn với một số hãng truyền thông địa phương. Anh xác nhận nội dung cuộc phỏng vấn ban đầu của mình với CNN là đúng.
Khoảng hai tuần sau khi bị gả bán, Parwana được trả lại cho gia đình, nhưng bố em vẫn nợ ông thông gia, chính xác là người mua, số tiền tương đương 50 triệu đồng. Anh đã dùng số tiền thu được từ gả bán con gái để trả nợ.
Sang trang mới
Parwana và năm anh chị em của em ban đầu cảm thấy mệt mỏi vì chuyến đi kéo dài. Nhưng khi đã ổn định, các em lại cười đùa, tận hưởng cuộc phiêu lưu mới.
Sau hai đêm ở khách sạn, gia đình Parwana được TYTW chuyển đến một ngôi nhà an toàn. Parwana lần đầu được sống trong một ngôi nhà đúng nghĩa. Trong bốn năm qua, gia đình em sống trong một căn lều trong trại tạm cư ở thị trấn Qala-e-Naw thuộc tỉnh Badghis.
“Cháu cảm thấy rất hạnh phúc khi ở trong ngôi nhà này. Họ đã cho cháu một cuộc sống mới”, Parwana nói với CNN.
“Tôi cảm thấy hạnh phúc và an toàn khi ở đây. Các con tôi ăn ngủ tốt kể từ khi chúng tôi đến. Chúng nô đùa, vui vẻ”, Reza Gul nói.
Gia đình sẽ ở trong nhà suốt những tháng mùa đông và được TYTW hỗ trợ, bảo vệ. TYTW thường xuyên tiến hành loại hình giải cứu này.
Kế hoạch dài hạn cho gia đình Parwana vẫn chưa rõ ràng, bà Stephanie Sinclair nói. Kế hoạch sẽ phụ thuộc vào nguồn tài trợ cho nhà an toàn.
Bà Sinclair nói: “Cộng đồng quốc tế không được bỏ rơi phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Đó là mệnh lệnh đạo đức. Mọi sinh mạng đều quan trọng”.
TYTW cũng đang cố gắng chuyển viện trợ lương thực đến trại Qala-e-Naw, nơi có khoảng 150 người sinh sống. Điều này cũng nhằm giúp đỡ bố của Parwana khi anh ở lại đó để cố gắng trang trải khoản nợ của mình. Anh đã cho phép TYTW đưa vợ con tới nơi ở mới.
“Chúng tôi rất vui vì Parwana được giải cứu”, anh nói trước khi vợ con rời đi.
Phần nổi của tảng băng chìm
Nhiều gia đình trên khắp Afghanistan đang phải đối mặt tình trạng tài chính tuyệt vọng.
Báo cáo của CNN cũng mô tả về hai gia đình trong tỉnh Ghor ở tây bắc Afghanistan. Họ đang chuẩn bị bán con gái nhỏ của họ.
Magul, 10 tuổi, chỉ còn vài ngày nữa là bị gả bán. Em dọa sẽ tự sát nếu cuộc gả bán diễn ra thành công.
Việc gả bán các bé gái đang bị đình trệ và TYTW đang nỗ lực giải cứu các em, đưa các em cùng anh chị em và mẹ đến nơi trú ẩn mà gia đình Parwana đang sống.
Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ như bà Mahbouba Seraj, người điều hành một nhà tạm lánh cho phụ nữ và trẻ em gái ở thủ đô Kabul, nói rằng, điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến với phụ nữ Afghanistan.
Bà Seraj nói: “Đây chỉ là sự khởi đầu, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tình trạng gả bán, tảo hôn sẽ tiếp tục xảy ra cùng với đói nghèo, với mùa đông, với sự thiếu hiểu biết”.
Một lãnh đạo địa phương của Taliban nói với CNN rằng, họ đang cố gắng chấm dứt nạn tảo hôn bất hợp pháp.
Ông Mawlawi Baz Mohammad Sarwary, người đứng đầu cơ quan thông tin và văn hóa Badghis, nói rằng, tảo hôn phổ biến trong vùng do nghèo đói cùng cực. “Tảo hôn không phải là điều tốt và chúng tôi lên án điều đó. Một số bị ép buộc vì họ nghèo”, ông Sarwary nói.
Ông Sarwary cũng kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế gửi viện trợ để cứu các gia đình khỏi nạn đói. “Chúng tôi muốn họ giúp đỡ những người Badghis. Chúng tôi sẽ bảo đảm an ninh cho họ, sẽ phối hợp với họ”, ông nói.
Ông Stillhart công tác tại ICRC nói rằng, các chính phủ cần khẩn cấp tài trợ cho Afghanistan, để ngăn chặn các bệnh viện và dịch vụ cơ bản sụp đổ.
“Tôi cầu xin cộng đồng quốc tế tìm ra các giải pháp cho phép duy trì các dịch vụ thiết yếu này. Toàn bộ nền kinh tế ở Afghanistan đã giảm 40% kể từ cuối tháng 8, do viện trợ song phương bị đình chỉ”, ông Stillhart nói với CNN.
Tại khu chợ địa phương ở Herat, TYTW đã giúp gia đình Parwana mua đồ dùng nhà bếp và thực phẩm. Chị Reza Gul, mẹ của Parwana, nói: “Chúng tôi từng phải thức trắng đêm vì đói. Bây giờ chúng tôi rất vui vì tổ chức từ thiện này đã giúp chúng tôi và đưa chúng tôi đến Herat”.
Parwana giờ đã thoát khỏi cuộc sống với người chồng gấp sáu lần tuổi em. Em rất hào hứng với viễn cảnh được đi học. “Cháu muốn học để trở thành bác sĩ,” Parwana nói.
Các tổ chức phi lợi nhuận đang hoạt động tại Afghanistan đang kêu gọi hành động phối hợp hơn nữa để giúp đỡ những người nghèo nhất ở nước này.
Theo Thái An (Tiền Phong)
Đăng nhận xét