Danh hài Hoài Tâm: Tôi không phải đại gia, thích sống độc thân
Tôi không phải đại gia, phải 'cày' 2-3 công việc cùng lúc
- Covid-19 ảnh hưởng công việc, cuộc sống nhiều người. Hoài Tâm vượt qua quãng thời gian vừa rồi ra sao?
Dịch bệnh thay đổi hoàn toàn cuộc sống, nhận thức của rất nhiều người, trong đó có tôi. Vì hiểu rõ đây là tình hình chung nên tôi cố lạc quan, kiên nhẫn. Khi kinh tế ảnh hưởng, chúng ta cũng bắt buộc phải vận động để trang trải cuộc sống.
Tôi nặng lòng khi nghe tin những người đã ngã gục trong trận chiến với Covid-19. Không ít trong số đó là bạn bè, đồng nghiệp tôi yêu quý. Những hình ảnh đau thương, mất mát quẩn quanh khiến tôi suy nghĩ nhiều. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải bước tiếp. Tôi cũng đang thích nghi dẫu vẫn chưa thể lấy lại hoàn toàn tinh thần. Hồi tháng 10, tôi cho ra mắt dự án web drama đầu tiên trong sự nghiệp. Đây là cách tôi "xốc" mình dậy để trở lại với nghệ thuật dịp cuối năm.
- Anh gặp khó khăn gì khi phải thực hiện sản phẩm phim ở Mỹ?
Làm phim ở Mỹ áp lực nhất về thời gian và nhân sự. Các nghệ sĩ lẫn ê-kíp đều có công việc riêng nên lịch quay phim phải thay đổi phù hợp. Nếu trong nước quay một bộ web drama 4 tập chỉ mất khoảng 1 - 2 tuần, thì ở Mỹ phải kéo đến tận 1 - 2 tháng. Riêng dự án của tôi tốn khoảng 4 tháng.
Nhiều người hay tin tôi làm dự án này đều bảo dại vì vừa cực, lại không có doanh thu. Tôi đã đầu tư số tiền 120.000 USD, tương đương 4 tỷ đồng cho phim. Việc thu hồi vốn từ YouTube hay các kênh mạng là không thể. Nhưng tôi vui vì có được một sản phẩm tâm đắc sau nhiều năm làm nghề.
Những người anh, người chị là tên tuổi lớn trong nghề như: chị Hồng Đào, anh Bảo Liêm, chị Trang Thanh Lan, danh ca Tuấn Vũ,… cũng góp mặt trong phim. Điều khiến tôi xúc động là khi ngỏ lời mời, họ đồng ý ngay mà không hỏi tới chuyện cát-xê.
- Từ một diễn viên tay ngang trở thành một danh hài hải ngoại, thành tựu đạt được trong nghề đến hiện tại khiến anh hài lòng?
Tôi phải dùng từ mãn nguyện. Hạnh phúc giản dị của tôi là vẫn được làm nghề, sống với đam mê. Tôi giờ chỉ mong có show diễn đều, được khán giả thương và cứ như vậy cho đến cuối đời. Tôi thích khi ra đường, người ta gọi mình là “nghệ sĩ” hơn, thay vì mác doanh nhân hay ông chủ nghe không quen.
- Nhiều người bảo Hoài Tâm làm nghệ thuật để thỏa đam mê chứ không nặng gánh cơm áo gạo tiền vì anh có nền tảng kinh tế tốt. Anh nói gì về thông tin này?
Tôi cũng có nghe thiên hạ đồn nhiều về thông tin Hoài Tâm là "đại gia ngầm". Sẵn đây cũng xin đính chính luôn là không phải. Tôi chỉ nghĩ kinh tế mình ở mức tạm ổn. Bản tính con người là mưu cầu. Khi đạt cái này rồi lại mong có được cái kia. Tôi quan niệm chỉ cần biết đủ là đủ. Tiền dẫu sao chỉ là phương tiện sống, không nên để nó chi phối mình.
Đời sống ở Mỹ khác với Việt Nam, ai cũng phải lao động, làm việc để kiếm tiền và phát triển cuộc sống. Từ năm 17 tuổi khi mới sang đây, tôi luôn "cày" 2,3 công việc cùng lúc. Đến bây giờ, tôi cũng chưa bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi.
- Nhiều nghệ sĩ hải ngoại có xu hướng về nước hoạt động, vì sao anh vẫn chưa về?
Tôi từng có suy nghĩ nhưng vì nhiều lý do đến nay chưa thực hiện được. Công việc, gia đình và cuộc sống tôi đều tại Mỹ. Do đó, tôi chọn cách đi về giữa 2 nơi chứ không về hẳn. Việt Hương có gia đình, chồng con nên ổn định một chỗ là tốt nhất. Còn tôi sống một mình, lại yêu thích tự do đi đây đó nên cũng không cần thiết phải bó buộc.
Chọn độc thân vì được tự do tận hưởng cuộc sống
- Lựa chọn cuộc sống độc thân ở tuổi này mang đến cho anh những cảm xúc gì?
Sống độc thân vui mà! Tôi có năng lượng làm nhiều thứ mình thích mà không cần xin phép ai. (cười) Đùa thế thôi nhưng tôi đang tận hưởng cuộc đời. Tôi vẫn yêu đời, yêu người và ham trải nghiệm cái mới mẻ. Xung quanh tôi luôn có những tri kỷ, họ là người thân, bạn bè đồng nghiệp hay kể cả những khán giả tôi gặp mỗi ngày qua facebook… Ở tuổi này, tôi phải khẳng định mình không cô đơn và hoàn toàn hài lòng với lựa chọn.
- Trong quan niệm chung, việc kết hôn sinh con là trách nhiệm cần thiết của một con người, với suy nghĩ anh thì sao?
Câu chuyện lập gia đình không đơn giản như nhiều người mặc định. Và tôi thấy mình cũng không có bổn phận cần thiết để xây dựng tổ ấm. Bạn đâu cần thiết cứ phải bó buộc vào những điều thuộc về suy nghĩ người khác. Khi mẹ tôi còn sống, bà cũng chưa một lần thúc giục tôi phải kết hôn, sinh con. Bà tin tưởng vào mọi quyết định cũng như yên tâm về cuộc đời sau này của con trai.
Mỗi người có một thái độ sống và cách trả ơn cuộc đời khác nhau. Với tôi, sống tử tế, làm việc tích cực đóng góp cho xã hội là đủ. Đến cuối đời, tôi vẫn mong giữ tâm thế như vậy.
- Hiện một ngày của anh trên đất Mỹ diễn ra như thế nào?
Mỗi ngày, tôi chỉ ngủ 4-5 tiếng, thời gian còn lại dành hết cho công việc. Được lao động, gặp gỡ mọi người, tôi thấy mình luôn tràn năng lượng. Tôi chỉ ước một ngày dài hơn 24 tiếng vì việc nhiều mà thời gian lại quá ít. Bên cạnh kinh doanh mỹ phẩm, tôi lo thêm nhà hàng, phải quản lý nhân sự, khâu nhập nguyên liệu, nấu ăn, tiếp khách... Ở Mỹ, các chương trình nghệ thuật thường chỉ diễn ra vào cuối tuần. May mắn tôi được mọi người yêu quý nên có show đều đặn.
Ngoài giờ công việc, tôi dành khoảng giờ rảnh cho việc ăn, ngủ, vui chơi. Tôi cũng hay tụ tập cùng bạn bè tiệc tùng, xem phim, tập gym… Xưa nay tôi sống lạc quan, không lo nghĩ quá nhiều vì quan niệm mỗi người chỉ sống một lần trên đời.
- Việt Hương và anh có mối quan hệ thân tình như người nhà. Điều gì ở người bạn này khiến anh trân quý?
Tôi và Hương tin tưởng nhau tuyệt đối và thấu hiểu đối phương. Sau này, khi Hương trở về Việt Nam làm việc, chúng tôi vẫn là một gia đình, trò chuyện mỗi ngày. Một mối quan hệ chân thành, không toan tính nên lâu bền là chuyện dễ hiểu.
Điều tôi nể phục Hương là sự tử tế với nghề và cả trách nhiệm xã hội. Những việc Hương làm, chưa một lần than hay kể khổ với ai trong khi cô ấy hoàn toàn có những lựa chọn khác tốt hơn, thoải mái hơn cho mình. Tôi tin Hương đang có vị trí, danh tiếng xứng đáng với những gì cô ấy đã và đang cống hiến.
- Anh nhiều năm sống cùng mẹ nhưng bà vừa qua đời. Khoảng thời gian này, anh sống ra sao khi không còn mẹ ở bên?
Cuộc sống vốn dĩ vô thường, sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình nên tôi phải học cách chấp nhận. Là một người con, tôi đau buồn khi mẹ mất nhưng cũng an ủi khi bà ra đi được thanh thản. Sự giải thoát chính là mang lại yên ổn cho bà, thay vì sống mà lại khổ sở vì bệnh tật. Mẹ khi qua đời cũng 88 tuổi theo tôi là thọ.
Thỉnh thoảng, tôi vẫn bâng quơ nhớ về bà, về những kỷ niệm của hai mẹ con những ngày còn nghèo khổ. Mẹ tôi đã sống một đời trọn vẹn, vì con cái, gia đình và cả mọi người xung quanh. Tôi luôn tự nhủ mình phải sống tử tế và lạc quan, đó là cách tôi bao hiếu cho đấng sinh thành.
Theo Tuấn Chiêu (VietNamNet)
Đăng nhận xét