Cảnh báo đầu tiên từ các hãng dược: Vaccine, thuốc kháng thể đều có thể kém hiệu quả trước Omicron
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Financial Times hôm 30/11, CEO Stephane Bancel của Moderna cảnh báo: "Tôi cho rằng không có khả năng hiệu quả của vaccine ở mức tương đương những gì chúng ta có trước Delta... Tôi cho rằng sẽ có sự suy giảm. Tôi chưa rõ mức độ giảm là như thế nào bởi chúng tôi vẫn cần chờ dữ liệu. Nhưng tất cả các nhà khoa học mà tôi đã trao đổi đều cho rằng tình hình không khả quan".
Hôm 29/11, Bancel nói với CNBC rằng các nhà khoa học của Moderna sẽ chỉ xác định được các loại vaccine hiện hành có hiệu quả như thế nào trước Omicron trong vài tuần tới. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng sẽ phải mất vài tháng để cập nhật vaccne chống lại Omicron, đồng thời dự đoán người dân có thể phải tiêm bổ sung "hai liều".
"Phải mất bốn tháng Delta mới vượt trội so với Beta, trong khi biến thể mới này chỉ mất hai tuần đã vượt Delta," CNBC dẫn lời Bancel cho biết.
"Chúng tôi đã giảm liều bổ sung của một loại vaccine hiện hành, do đó đã có nhiều dữ liệu an toàn cho thấy chúng ta có thể tiêm liều cao hơn, ở mức hai liều, như vậy sẽ tạo ra sự bảo vệ tốt hơn chỉ một liều thứ ba ở mức 50 microgram," Bancel giải thích thêm.
Thị trường tài chính toàn cầu đã suy giảm đáng kể sau khi Financial Times đăng tải bài phỏng vấn CEO của Moderna.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla cho rằng vaccine của hãng này sẽ có tác dụng với tất cả các biến thể đã được xác định của virus SARS-CoV-2, bao gồm Omicron. Tuy vậy, Pfizer đang phát triển một phiên bản cập nhật của vaccine để đảm bảo hiệu quả.
"Trong 95 ngày tới, về cơ bản chúng ta sẽ có một vaccine mới," Bourla nói thêm.
Hiện chưa có trường hợp nhiễm Omicron nào được ghi nhận tử vong, tuy vậy Viện Quốc gia Bệnh truyền nhiễm Nam Phi báo cáo biến thể đang làm tăng số ca nhiễm, ca nhập viện. Cơ quan này cũng cho biết số lượng bệnh nhân nặng hiện nay ít hơn so với các đợt bùng phát trước đây.
Một nghiên cứu ban đầu được công bố hôm 30/11 cũng cho thấy liệu pháp kháng thể Regeneron có thể cũng sẽ kém hiệu quả với Omicron.
"Điều chúng tôi phải thừa nhận là trong sáu ngày qua, chúng tôi đã phải làm việc gấp rút hơn. Thứ ban đầu là kế hoạch dự phòng hiện đã được triển khai gấp rút hơn nhiều," giám đốc điều hành Regeneron George Yancopoulos nói với tờ Wall Street Journal.
Trong khi các nhà khoa học vẫn đang tìm câu trả lời cho các vấn đề liên quan tới Omicron, một số người từng nhiễm Omicron cho rằng biến thể này không thực sự tồi tệ.
Một người đàn ông 48 tuổi được xác định là bệnh nhân đầu tiên ở Italy nhiễm Omicron trả lời phỏng vấn của đài phát thanh RAI cho biết ông vẫn cảm thấy khỏe mạnh. Ông này làm việc cho tập đoàn Eni, đã bay từ Mozambique tới Italy hôm 12/11, sau khi có kết quả xét nghiệm PCR âm tính ở Mozambique.
Ở Italy, ông đã ở cùng gia đình tại Caserta ở miền Bắc Naples và có kế hoạch quay lại Mozambique vào 16/11. Tại đây, ông xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid-19, và bởi ông có lịch sử di chuyển tới châu Phi, ông được kiểm tra, giải mã trình tự gene để xác định nhiễm biến thể Omicron. Toàn bộ gia đình 5 người của ông sau đó xét nghiệm dương tính với Omicron.
Các bác sĩ cho rằng bệnh nhân nhiễm Omicron trong chuyến đi tới châu Phi, không phải khi trở về Italy, tuy vậy rất khó xác định thời điểm chính xác ông nhiễm virus, bởi ông không được xét nghiệm khi đặt chân xuống Italy.
"Tôi hài lòng vì đã tiêm vaccine, vì với tôi vaccine đã hoạt động rất tốt. Bản thân tôi và gia đình đều có triệu chứng nhẹ, dù có trẻ em 8 tuổi và người già 81 tuổi, tôi có thể cho rằng tình trạng bệnh là rất nhẹ," người này cho hay.
Bệnh nhân 48 tuổi cũng tiết lộ gia đình ông được tiêm ba loại vaccine khác nhau, do Pfizer, Moderna và AstraZeneca sản xuất. Đứa trẻ 8 tuổi chưa được tiêm vaccine, do chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19 ở Italy hiện mới chỉ cho tiêm đối tượng 12 tuổi trở lên.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)
Đăng nhận xét