Biến thể Omicron xuất hiện ở Đông Nam Á
Singapore phát hiện 2 ca Omicron đầu tiên
Singapore phát hiện 2 ca đầu tiên có kết quả xét nghiệm sơ bộ dương tính với biến thể Omicron, Bộ Y tế nước này thông tin ngày 2.12. Cả 2 ca đều đã được cách ly khi đến Singapore cùng ngày và không có tiếp xúc với bất kỳ ai trong cộng đồng. "Hiện tại chưa có bằng chứng về bất kỳ sự lây truyền nào ra cộng đồng từ những ca này", Bộ Y tế Singapore cho hay.
Hai ca nhiễm biến thể Omicron ở Singapore đều đang hồi phục trong khu cách ly tại trung tâm các bệnh truyền nhiễm quốc gia. Hai bệnh nhân này đều đã tiêm chủng đầy đủ và có các triệu chứng nhẹ như ho, ngứa cổ họng.
Hai bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron ở Singapore đều đến từ Johannesburg, Nam Phi, trên chuyến bay SQ479 của Singapore Airlines ngày 2.12. Ca đầu tiên là một thường trú nhân Singapore, 44 tuổi, xuất phát từ Mozambique và quá cảnh tại Johannesburg.
Người đàn ông này có kết quả âm tính trong xét nghiệm trước khi khởi hành ở Mozambique vào ngày 29.11. Ca thứ 2 là một phụ nữ Singapore 41 tuổi, di chuyển tới Singapore từ Nam Phi. Bệnh nhân này cũng có kết quả âm tính khi khởi hành ở Johannesburg vào ngày 29.11.
Bộ Y tế Singapore cũng thông tin, 19 hành khách còn lại trên cùng chuyến bay đã có kết quả xét nghiệm âm tính, đang cách ly trong một cơ sở được chỉ định.
Trước đó, Singapore từng thông báo có 2 hành khách của Singapore Airlines có kết quả dương tính với biến thể Omicron tại Sydney, Australia, từng quá cảnh ở sân bay Changi ngày 27.11. Hai hành khách xuất phát từ Johannesburg, Nam Phi ngày 27.11 và đến sân bay Changi cùng ngày và ở trong khu vực quá cảnh cho đến khi khởi hành tới Sydney ngày 28.11.
Omicron có khả năng gây ra nửa số ca COVID-19 ở Châu Âu
Cơ quan y tế công cộng của Liên minh Châu Âu cảnh báo ngày 1.12, biến thể Omicron có thể là nguyên nhân gây ra hơn một nửa số ca COVID-19 ở Châu Âu trong vòng vài tháng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cho hay: "Dựa trên mô hình toán học do ECDC thực hiện, có dấu hiệu cho thấy Omicron có thể gây ra hơn một nửa số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở EU/EEA trong vòng vài tháng tới".
Đến nay, Châu Âu đã ghi nhận vài chục ca nhiễm biến thể Omicron, theo Reuters. Liên minh Châu Âu và Khu vực kinh tế Châu Âu (EEA) bao gồm 27 quốc gia thành viên EU cùng với Iceland, Liechtenstein và Na Uy. Trước đó, cũng trong ngày 2.12, cố vấn khoa học hàng đầu của chính phủ Pháp Jean-Francois Delfraissy nhận định, Omicron có thể thay thế biến thể Delta vào cuối tháng Giêng năm sau.
CDC Châu Phi trấn an về biến thể Omicron
Cơ quan giám sát sức khỏe của Liên minh Châu Phi kêu gọi bình tĩnh trước biến thể Omicron.
"Chúng tôi rất quan ngại nhưng không lo tình hình không thể kiểm soát được. Không cần hoảng sợ. Chúng ta có khả năng phòng vệ" - AFP dẫn lời ông John Nkengasong - người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC Châu Phi).
CDC Châu Phi cho biết đã được chuẩn bị "trong thời gian dài nhất" cho khả năng có một biến thể mới và đã ở trong trạng thái ngăn chặn gia tăng các ca mắc COVID-19.
Theo cơ quan này, biến thể Omicron đã được ghi nhận ở 4 quốc gia Châu Phi bao gồm Nam Phi, Ghana, Nigeria và Botswana. “Đây sẽ là làn sóng thứ tư mà châu lục phải đối mặt" - ông Nkengasong nói.
Ông lưu ý, Châu Phi biết cách triển khai ứng phó nhanh và cung cấp các biện pháp can thiệp cần thiết. Ngoài ra, vaccine COVID-19 cũng đang được đưa vào châu lục này rất đều đặn. Tuy nhiên, tiêm vaccine COVID-19 ở Châu Phi, châu lục có gần 1,2 tỉ dân, rất thấp, chỉ 7% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Châu Phi cần ước tính 1,5 tỉ liều vaccine COVID-19 để tạo miễn dịch cho 60% cư dân và đạt được phần nào mức độ miễn dịch cộng đồng. Cho đến nay, Châu Phi mới nhận được hơn 400 triệu liều.
Theo Thanh Hà (Lao Động)
Đăng nhận xét