Đám cưới tổ chức online, khách 4 điểm cầu nâng ly chúc mừng đôi trẻ
Lễ cưới đặc biệt
Quen biết rồi yêu thương nhau từ 2 năm trước, Trần Thư Hoàng (31 tuổi, TP.HCM) và Lê Nguyệt Tú Anh (29 tuổi, quê Bình Định) quyết định chọn ngày 30/11 làm lễ cưới.
Khi đã lên ý tưởng, mơ về một tiệc cưới ấm áp, vui vầy bên người thân, đôi bạn trẻ nhận tin TP.HCM, TP.Quy Nhơn (Bình Định) ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid-19.
Tú Anh và Thư Hoàng nhận định, nếu tổ chức hôn lễ, tiệc cưới bình thường sẽ rất nguy hiểm cho những người họ hàng lớn tuổi đến chung vui. Cả hai cũng tính đến việc mời cưới vào thời điểm này sẽ khiến bạn bè, người thân rơi vào tình thế khó xử.
Cuối cùng, đôi bạn trẻ đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của mọi người lên hàng đầu. Cả hai quyết định tổ chức lễ cưới trực tuyến tại một căn hộ ở TP.HCM. Thư Hoàng, Tú Anh bày tỏ nguyện vọng trên với cha mẹ đôi bên và đều nhận được sự cảm thông, đồng ý.
Thậm chí, bố mẹ của Tú Anh đã có suy nghĩ ấy từ lâu. Thế nên khi nghe con gái mở lời, ông bà vui vẻ chấp nhận. Cả hai động viên con gạt bỏ những nỗi niềm riêng để hướng đến một lễ cưới giản đơn nhưng đầy đủ nghi thức quan trọng và ấm cúng.
Trước khi lễ cưới được tổ chức, em gái của Tú Anh về quê nhà 2 chuyến chuẩn bị thiết bị điện tử, hướng dẫn người thân kết nối với các điểm cầu gồm: nhà bố mẹ chú rể ở Quận 10; nhà bố mẹ cô dâu ở TP.Quy Nhơn; nhà ông bà nội và họ hàng của cô dâu ở huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định).
Cô gái hướng dẫn và đặt niềm tin vào người chú ruột của mình ở quê nhà. “Lễ cưới được phát trực tiếp thông qua ứng dụng zoom (nền tảng hội họp trực tuyến, cho phép nhiều người được kết nối với nhau trong một khoảng cách rất xa) trên điện thoại di động. Sau đó, điện thoại sẽ được kết nối với tivi để mọi người có thể theo dõi lễ cưới một cách chi tiết, rõ nét hơn”, Tú Anh chia sẻ.
Sáng 30/11, Tú Anh, Thư Hoàng có mặt trong phòng khách rộng khoảng 10m2 ngập tràn hoa tươi và nến để chuẩn bị cho lễ cưới thiếu sự hiện diện trực tiếp của người thân. 10h30, chiếc máy tính tại đây được kết nối với các điểm cầu đã chuẩn bị sẵn.
Khi đường truyền ổn định, các màn hình hiện lên hình ảnh của bố mẹ, người thân hai bên gia đình cô dâu, chú rể, nghi thức lễ cưới của đôi bạn trẻ bắt đầu.
Dưới sự hướng dẫn của người chú ruột giữ vai trò MC tại đầu cầu Bình Định, Thư Hoàng, Tú Anh cúi lạy gia tiên, bố mẹ cùng các nghi thức khác theo truyền thống quan màn hình máy tính, tivi.
Lễ cưới kết thúc bằng hình ảnh đôi bạn trẻ trao nhẫn cho nhau trong tiếng reo vui, chúc mừng đến từ họ hàng thân tộc, bạn bè thông qua những chiếc loa được gắn trên tường.
Đến giây phút nâng ly chúc cô dâu chú rể kết thành vợ chồng, khách mời tại các đầu cầu đều đồng loạt nâng ly, chúc mừng đôi bạn trẻ. Không khí trong căn phòng trở nên rộn rã, tươi vui.
“Tôi thật sự hạnh phúc dù từng có những phút giây chạnh lòng”
Buổi lễ không có sự hiện diện của bố mẹ hai bên cô dâu, chú rể nhưng vẫn diễn ra ấm áp, thân tình. Tú Anh không cảm thấy tủi thân khi không được bố mẹ dẫn tay vào lễ đường. Khi quyết định làm lễ cưới trực tuyến, cô đã giải tỏa, chuẩn bị tâm lý rất kỹ.
Cô dâu mới chia sẻ: “Cảm xúc về lễ cưới của tôi diễn biến theo từng giai đoạn và có nhiều cung bậc khác nhau. Lúc đầu, khi nghĩ đến việc sẽ tổ chức đám cưới trực tuyến, không có ba mẹ, người thân bên cạnh, tôi nhẹ nhàng chấp nhận. Tôi nghĩ thôi thì cứ để mọi chuyện thật nhẹ nhàng, giản đơn”.
“Tuy nhiên sau đó, khi ngồi xem các bước chuẩn bị lễ cưới, clip phóng sự lễ cưới của studio làm cho những cặp cô dâu, chú rể khác, vợ chồng tôi lại cảm thấy chạnh lòng”, cô nói thêm.
Lúc ấy, tâm trí Tú Anh ngổn ngang những câu hỏi “tại sao mình lại không có được những khoảnh khắc có người bưng quả đến nhà; được rước dâu; cô dâu được chụp hình với ba mẹ; trao sính lễ…
Hơn thế, Tú Anh và Thư Hoàng đều là những người quý trọng gia đình. Cả hai luôn muốn cha mẹ, người thân có mặt, chung vui trong ngày trọng đại. Thế nên, có lúc, Tú Anh và Thư Hoàng đã nói với nhau rằng: “Thôi để 3 năm nữa hãy cưới”.
Dẫu vậy, sau đó cả hai đã vượt qua được những phút giây chạnh lòng để cùng nhau hướng về một lễ cưới trực tuyến giản đơn. Chứng kiến đôi bạn trẻ thực hiện lễ cưới qua màn hình máy tính, ti vi, họ hàng thân tộc hai bên đều “rất thương” và thông cảm.
Tú Anh chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên trong dòng họ có một lễ cưới đặc biệt, lạ lẫm đến vậy nên mọi người vừa háo hức vừa thấy thương chúng tôi. Người thân của hai bên gia đình ai cũng tham gia zoom để chúc phúc cho hai đứa”.
“Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nếu tổ chức tiệc cưới bình thường, có thể mọi người sẽ không có mặt đông đủ như thế. Tôi thật sự hạnh phúc dù trước đó từng có những phút giây chạnh lòng”, cô gái trẻ nói thêm.
Sau khi hoàn tất các nghi thức cưới xin, cô dâu chú rể tiến hành chụp bộ ảnh cưới đẹp và tràn đầy cảm xúc ngay tại căn phòng vừa diễn ra lễ cưới. Ban đầu, Tú Anh không có ý định chụp bộ ảnh cưới đẹp đến vậy.
Tuy nhiên, sự chân thành, chuyên nghiệp của anh bạn thân cũng là người tổ chức trang trí không gian cưới cho Tú Anh và Thư Hoàng đã thuyết phục được cả hai chụp ảnh. Người này chuẩn bị mọi thứ từ cách trang trí bối cảnh đến việc thuê áo cưới để cô dâu chú rể có thể lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời.
“Anh làm việc có tâm và đầy nhiệt huyết nên khi chụp xong, chúng tôi có được một bộ ảnh cưới rất đẹp. Bộ ảnh đẹp và cảm xúc đến nỗi, chúng tôi từ bỏ luôn ý định đến studio để chụp ảnh cưới”, cô dâu Tú Anh chia sẻ.
Theo Nguyễn Sơn (VietNamNet)
Đăng nhận xét