Giới khoa học tiết lộ gây bất ngờ về nguồn gốc biến thể Omicron
Một số nước giàu đã mua số lượng lớn vaccine ngừa Covid-19 để tích trữ, đủ để tiêm chủng cho toàn bộ dân số nhiều lần nhưng không hoàn thành cam kết chia sẻ với các nước đang phát triển, theo WHO.
WHO gọi cách tiếp cận này là "tự gây ra thất bại" và "vô đạo đức".
CNN dẫn lời các nhà khoa học cho rằng biến thể mới Omicron nhiều khả năng xuất hiện ở một khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Omicron lần đầu được phát hiện ở Nam Phi, nhưng chưa rõ liệu nguồn gốc của nó có phải là ở nước này hay không, hay nó được đưa từ vùng khác tới đây.
Tuy vậy, giới khoa học khẳng định virus SARS-CoV-2 dễ đột biến ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, tỷ lệ lây nhiễm cao.
"Biến thể có lẽ đã khởi phát ở một nước khác và được phát hiện ở Nam Phi, bợi họ có khả năng giải mã trình tự bộ gene rất tốt... đó có thể là hậu quả của một đợt bùng phát, có thể là ở mọt khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi không có giám sát về gene và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp," Michael Head, nhà nghiên cứu y tế toàn cầu thuộc Đại học Southampton nói với CNN.
Head cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới là "hậu quả tự nhiên của việc thế giới tiêm chủng quá chậm".
"Chúng ta vẫn còn dân số chưa được tiêm chủng lớn, như ở khu vực châu Phi hạ Sahara, những nơi như vậy rất dễ xảy ra bùng phát lớn," Head nói.
Các biến thể của SARS-CoV-2 trong quá khứ đã gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống đại dịch, nhưng hầu hết khởi phát tại những nơi chứng kiến những đợt bùng phát không thể kiểm soát, chẳng hạn như biến thể Alpha lần đầu được phát hiện ở Anh, hay biến thể Delta lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ.
Tính tới 28/11, nhiều nước trên thế giới, bao gồm Nam Phi, Botswana, Australia, Anh, Đức, Italy và Bỉ đã phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron.
Nhiều nước trên thế giới phản ứng bằng cách đóng cửa biên giới đối với hành khách từ các nước trong khu vực, trong đó có Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.
Tuy vậy, giới khoa học và chuyên gia y tế cảnh báo sự chênh lệch rất lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước phát triển và đang phát triển sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn.
Jeremy Farrar, giám đốc Viện Nghiên cứu Y tế Wellcome Trust, cho rằng sự xuất hiện của biến thể mới cho thấy thế giới cần đảm bảo tiếp cận vaccine và các công cụ y tế công cộng bình đẳng.
"Biến thể mới nhắc nhở chúng ta rằng đại dịch còn lâu mới kết thúc. Bất bình đẳng là điều sẽ kéo dài đại dịch," Farrar cho hay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chỉ 7,5% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Tại tám nước bị các nước khác cấm xuất nhập cảnh liên quan tới biến thể Omicron, tỷ lệ người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine dao động từ 5,6% ở Malawi tới 37% ở Botswana.
Trong khi đó, có tới 63,9% dân số ở các nước thu nhập cao đã được tiêm ít nhất một liều, theo WHO. Tại EU và Mỹ, gần 70% người dân đã được tiêm ít nhất một liều, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ và CDC châu Âu.
Ngoài việc chưa thể tiếp cận vaccine, tâm lý nghi ngờ tiêm chủng cũng là vấn đề lớn ở nhiều nước, trong đó có Nam Phi.
Hồ Anh (Nguoiduatin.vn)
Đăng nhận xét