Đánh giá game Shadow Corridor
Shadow Corridor là game kinh dị sinh tồn không dành cho những ai yếu bóng vía. Bối cảnh của trò chơi được nhà phát triển Kazuki Shiroma lấy cảm hứng từ những câu chuyện tâm linh được truyền miệng ở Nhật Bản. Trong đó, nổi bật là những linh hồn truy đuổi người chơi mang tạo hình mặt nạ Noh truyền thống của đất nước mặt trời mọc. Đặc biệt, mỗi màn chơi đều được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán và dựa trên địa danh có thật, mang đến bầu không khí rùng rợn dù không cần đến dùng đến nhạc nền để tạo âm hưởng đặc trưng.
Ở góc độ người chơi, Shadow Corridor có nhiều điểm tương đồng với Yuoni trong định hướng thiết kế, nhưng thu hẹp quy mô hơn. Trò chơi mở đầu với không gian buổi chiều tà, nhưng ánh sáng được điều chỉnh tối dần theo trải nghiệm của người chơi. Đây là thiết kế khá tinh tế so với nhiều cái tên cùng thể loại mà tôi từng chơi, giúp người chơi dễ quen mắt với không gian trải nghiệm tăm tối hơn. Tuy đồ họa cũ kỹ mang cảm giác đến từ cuối thời đại PlayStation 2, nhưng trải nghiệm game khá đáng sợ với cơ chế điều khiển vô cùng cơ bản.
Mặc dù vậy, những hạn chế về mặt hình ảnh cũng phần nào làm giảm đi sự rùng rợn mà Shadow Corridor cố gắng mang đến trong trải nghiệm. Đơn cử những bụi cỏ và hoa đan xen lẫn nhau hoặc mắc kẹt vào các yếu tố môi trường, nhìn khá buồn cười trong một số phân cảnh. Chưa kể, không hiếm lần cảnh nền và các chi tiết hình dựng bất ngờ nổi lên, cụ thể là bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. Kỳ thực, đây là vấn đề của game engine hoặc lập trình chứ không phải nhà phát triển cố ý thiết kế như vậy để hù dọa người chơi.
Thế nhưng, nếu tình trạng nói trên xảy ra thường xuyên hơn trong những tình huống nhất định, tôi nghĩ cảm giác trải nghiệm Shadow Corridor sẽ trở nên đáng sợ hơn rất nhiều. Ở khía cạnh jump-scare, trò chơi có không ít những tình huống này nhưng được khai thác rất tốt, hiếm khi tạo cảm giác lạm dụng đến nhàm chán như Layers of Fear 2. Ban đầu chỉ là những khoảnh khắc vô thưởng vô phạt như con mèo mun mà bạn vô tình gặp trên đường, nhưng về sau càng rùng rợn và vận dụng khéo léo trong khoảnh khắc trải nghiệm khám phá hơn.
Đây cũng là một trong những điểm cộng của Shadow Corridor. Nhà phát triển sử dụng thuật toán để phát sinh không gian khám phá, do vậy mà mỗi lần chơi lại luôn mang đến trải nghiệm mới mẻ với hành lang và lối đi thay đổi chứ không hề tuyến tính. Điều thú vị là không gian khám phá được lấy cảm hứng từ những địa điểm có thật ở đất nước mặt trời mọc. Điều này không ít thì nhiều để lại cho người chơi cảm giác trải nghiệm nổi da gà, bất kể bạn từng đến đất nước này chưa hay chỉ đơn thuần đã sống ở đó một thời gian.
Màn chơi trong Shadow Corridor khá rộng khi xét quy mô của nhà phát triển. Thậm chí, đừng ngạc nhiên hay ức chế khi bạn thường xuyên đi lạc trong đó. Điều thú vị là ngay cả khi lạc lối, những hành lang cũng luôn khác biệt và tạo cảm giác được nhà phát triển khá chăm chút thiết kế để không tạo cảm giác hao hao nhau. Các vật phẩm trong trải nghiệm cũng vậy, nhiều và đều hữu ích cho người chơi trong những trường hợp nhất định. Đó là tôi còn chưa nói đến các quái vật mà bạn đụng độ trong trải nghiệm đều là con dao hai lưỡi.
Một mặt, chúng có thể khiến bạn hết hồn chim én mỗi khi nghe âm thanh đặc trưng. Thế nhưng khi bắt đầu quen dần với sự xuất hiện của kẻ thù, bạn có thể làm điều khá điên rồ hiếm ai nghĩ tới là lẻn theo chúng đằng sau, thậm chí mượn gió bẻ măng khiến chúng phá cửa giúp bạn thay vì phải mở theo cách thông thường. Ngược lại, cảm giác khi bị những kẻ thù này săn đuổi vừa căng thẳng vừa đáng sợ hơn nhiều so với những cái tên mới nổi của thể loại này mà tôi từng trải nghiệm, chẳng hạn Outlast hay gần đây nhất là Song of Horror.
Khác với các game cùng thể loại thường xây dựng ánh sáng là yếu tố cần hạn chế trong trải nghiệm, Shadow Corridor cho phép người chơi sử dụng nguồn sáng từ bật lửa vô tận bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tôi có cảm giác nhà phát triển bỏ lỡ nhiều ý tưởng nhỏ mà hữu hiệu giúp trải nghiệm đáng sợ và rùng rợn hơn. Chẳng hạn không có cơ chế gió thổi ngẫu nhiên làm tắt bật lửa hoặc khi bạn điều khiển nhân vật chạy giống như ngoài đời. Thay vào đó, trải nghiệm chỉ tập trung vào khám phá không gian màn chơi được thiết kế như mê cung.
Phần lớn chướng ngại vật đến từ việc mở lối đi liên thông, buộc người chơi phải vòng đi vòng về đến khi tìm được chìa khóa mở cửa. Tuy nhiên, khó chịu nhất là thể lực của nhân vật thuộc dạng “yếu bóng vía”, chỉ chạy khoảng 5 giây là thở dốc chờ hồi sức khá mất thời gian. Mặc dù yếu tố này được thiết kế để tăng tính căng thẳng cho trải nghiệm, nhưng tôi có cảm giác nó thường bị lạm dụng hơn là xây dựng hợp lý trong dòng game phiêu lưu rùng rợn. Shadow Corridor cũng không hề ngoại lệ khiến tôi không tránh khỏi chút thất vọng.
Mặt khác, trò chơi có thời lượng tương đối ngắn, nhưng giá trị chơi lại không quá cao do thiết kế có nhiều hạn chế dù áp dụng thuật toán để phát sinh màn chơi ngẫu nhiên. Vấn đề ở chỗ, màn chơi chỉ xây dựng ngẫu nhiên ở khía cạnh tìm đường chứ khởi điểm và đích đến không thay đổi. Thậm chí vị trí đặt vật phẩm cũng vậy. Điều đó đồng nghĩa nếu bạn nhớ những điểm mấu chốt nói trên thì lần chơi sau không có nhiều khác biệt. Để bù đắp cho điều này, Shadow Corridor có thêm chế độ chơi hoàn toàn mới: Apparition Defenders, Go!
Chế độ chơi này được mở khóa sau khi bạn hoàn thành trải nghiệm theo cốt truyện. Đáng chú ý, cả hai chế độ có nhiều khác biệt về cơ chế gameplay và góc nhìn dù được xây dựng trên cùng thiết kế màn chơi. Đặc biệt, nhân vật điều khiển lần này là vai phản diện luôn quấy nhiễu người chơi trong trải nghiệm ban đầu theo cốt truyện và được trải nghiệm ở góc nhìn thứ ba, thay vì góc nhìn thứ nhất phần chơi chính. Thế nhưng, chế độ chơi mới khiến tôi khá bất ngờ với thiết kế trái ngược hoàn toàn hình dung ban đầu.
Tạo hình các nhân vật đều vô cùng hài hước. Nhân vật điều khiển không đáng sợ đã đành lại còn có những hành động tấu hài cực mạnh khi di chuyển, khiến tôi không tài nào nhịn được cười khi trải nghiệm. Cá nhân người viết đánh giá rất cao những ý tưởng độc đáo như thế này, nhất là khi nó có tính giải trí cao và mang đến cảm giác trải nghiệm khác biệt và mới mẻ. Vấn đề ở chỗ, nếu bạn kỳ vọng chế độ chơi này mang đến tính thử thách cao hơn tương tự Tofu Survior trong Resident Evil 2 thì bạn sẽ thất vọng và ngược lại.
Sau cuối, Shadow Corridor mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn vô cùng đặc sắc và đáng sợ dù sở hữu thiết kế đơn giản từ gameplay đến cơ chế điều khiển. Nếu có tinh thần thép, đây chắc chắn là cái tên phải có trong thư viện game của bạn.
Shadow Corridor hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Shadow Corridor ($ 7.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đăng nhận xét