Đánh giá game Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition
Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition là bộ sưu tầm remaster gồm ba game phiêu lưu hành động thế giới mở kinh điển Grand Theft Auto 3, Grand Theft Auto: Vice City và Grand Theft Auto: San Andreas. Cả ba đều là những game hiếm hoi khai sinh thể loại thế giới mở và trở thành tượng đài được rất nhiều nhà phát triển lấy làm cảm hứng với nhiều thành công không kém. Mặc dù đều là những game “có máu mặt” từ thời hoàng kim của PlayStation 2, nhưng chất lượng của bộ sưu tầm hoàn toàn không xứng đáng gọi là Definitive.
Một trong những điểm trừ lớn nhất của Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition là nhiều tính năng có trong nguyên bản bị loại bỏ không rõ lý do. Đơn cử góc nhìn top-down trong nguyên bản Grand Theft Auto 3 dành cho những người chơi thích cảm giác hoài cổ GTA 2 không còn nữa. Hay như góc nhìn tái hiện cảm giác điện ảnh lần đầu xuất hiện trong GTA 3 cũng chịu chung số phận. Đó là chưa kể hàng loạt những vấn đề lỗi hình ảnh và lỗi game có lẫn không có trong game gốc cũng xuất hiện rất nhiều trong trải nghiệm.
Đáng nói, những lỗi kể trên không chỉ diễn ra ở một mà trên tất cả các nền tảng, chưa kể nhiều vấn đề khác với từng hệ máy khác nhau. Đây cũng là vấn đề mà Grand Theft Auto IV bản PC gặp phải lúc mới ra mắt vào cuối năm 2008, cho thấy Rockstar Games có vấn đề rất lớn ở khâu quản lý chất lượng. Không loại trừ khả năng Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition bị ép phát hành sớm để lấy ngày. Điều này thường liên quan đến vấn đề phát hành game mới của các công ty chủ quản mỗi nền tảng nên tôi không đề cập chi tiết.
Kỳ thực, đồ họa được đại tu trong cả ba game của Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition để lại cho người viết cảm giác khá trái chiều. Chẳng hạn nhân vật Claude trong Grand Theft Auto III giờ đây trông khá cá tính, dù nó chỉ thể hiện ở tạo hình bên ngoài chứ không phải trong trải nghiệm. Ngược lại, Tommy của bản Vice City nhìn quá trẻ so với tuổi, trong khi tạo hình không ít NPC nhìn khá dị hợm theo đúng nghĩa đen. Ít “nhận gạch” nhất là bản San Andreas nhưng cũng đầy lỗi hình ảnh trong các đoạn chuyển cảnh.
Đáng nói, hầu hết những lỗi hình ảnh trong ba game đều là lỗi mới phát sinh trong Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition, các nguyên bản trước đó không hề có. Ban đầu, những lỗi này khiến tôi không nhịn được cười. Thế nhưng khi xuất hiện quá nhiều và trở thành thảm họa trong trải nghiệm, chúng nhanh chóng biến thành cục tức không thể giải tỏa. Từ những lỗi địa hình khiến nhân vật điều khiển rơi tự do, đi xuyên vật thể và bị mắc kẹt, cho đến nghiêm trọng nhất là làm hỏng save game Grand Theft Auto III.
Bên cạnh đại tu về đồ họa để lại cảm nhận khá trái chiều, lối chơi của mỗi game vẫn giống như nguyên bản nhưng có thêm vài cải tiến nhỏ đáng chào đón. Chẳng hạn mở vòng xoay chọn vũ khí tự động làm chậm thời gian, giúp người chơi dễ dàng đổi vũ khí giữa hỗn chiến hơn. Nhiệm vụ bị ‘busted’ hoặc ‘wasted’ có thể thực hiện lại ngay lập tức, không còn mất thời gian di chuyển đếm điểm làm nhiệm vụ nữa. Chưa kể, nhân vật vẫn giữ nguyên toàn bộ trang bị mang theo trong lần thất bại trước đó. Những trận đấu súng cũng cải thiện tốt hơn.
Đó là nhờ vào hệ thống nhắm mới được điều chỉnh trong Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition, giúp những trận đọ súng ít thử thách hơn. Với đặc thù lối chơi thiên về loạn chiến, đây kỳ thực là những cập nhật nhỏ rất đáng chào đón. Cơ chế lái xe cũng được điều chỉnh đồng nhất giữa các game, cảm giác trực quan hơn khi điều khiển trên tay cầm. Ngược lại, những lỗi game mà người chơi có thể tư lợi trong các nguyên bản trước đây khi làm nhiệm vụ cùng một số cheat code cũ đều bị “bay màu” để tránh lạm dụng.
Mặc dù vậy, Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition vẫn giữ lại khá nhiều cheat code mà bạn có thể kích hoạt để mang đến lợi thế trong trải nghiệm. Có cả cheat code mới toanh bằng mã Konami rất hài hước. Tuy nhiên, vẫn còn một điểm trừ khác của bộ sưu tầm này mà tôi không thể không đề cập: soundtrack. Đây vốn là đặc sản của series GTA từ trước đây nay với rất nhiều bài nhạc kinh điển tuyệt vời mà bạn có thể nghe qua radio trong các game, nhưng nhiều bài nhạc cũ đã biến mất tăm.
Nếu bỏ qua hàng loạt vấn đề nói trên, trải nghiệm Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition về cơ bản không có gì thay đổi so với nguyên bản. Trong đó, Grand Theft Auto III là bước đột phá của series này khi chuyển mình sang thế giới 3D và luôn gây nhiều tranh cãi về mặt nội dung. Nhân vật chính của phần chơi này là Claude lên kế hoạch trả thù sau khi suýt chết vì bị bạn gái phản bội trong một phi vụ. Trải nghiệm game đưa bạn đảm nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau theo kịch bản tuyến tính để thúc đẩy câu chuyện kể.
Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ đa dạng trong trải nghiệm, người chơi có thể tự do khám phá thế giới mở của thành phố Liberty. Không ít trong số đó là những nhiệm vụ xoay quanh những cuộc hỗn chiến giữa các băng đảng và lực lượng chấp pháp. Nhân vật của người chơi không chỉ tấn công cận chiến mà còn sử dụng vũ khí từ Micro Uzi đến súng phun lửa, bắn tỉa, rocket launcher, thậm chí thuốc nổ để chiến đấu với kẻ thù. Tuy nhiên, Liberty không thật sự là thế giới mở khi hơn 1/2 thành phố chỉ được mở khóa thông qua trải nghiệm.
Grand Theft Auto: Vice City cải thiện nhiều về xây dựng câu chuyện kể nhiều kịch tính hơn. Trải nghiệm game đưa người chơi nhập vai nhân vật Tommy Vercetti quay lại giới giang hồ sau khi mãn hạn tù. Trò chơi đưa bạn đến với thành phố Vice luôn rực sáng ánh đèn màu vào thập niên 80. Lối chơi vẫn mang nhiều nét tương đồng GTA III nhưng bổ sung nhiều yếu tố mới. Chẳng hạn Tommy có thể mua nhiều safehouse và số lượng vũ khí cũng đa dạng hơn rất nhiều. Ngoài ra còn có thêm phương tiện vận chuyển mới như mô tô và xe tay ga.
Đặc biệt, Grand Theft Auto: Vice City nguyên bản gây ấn tượng với số lượng rất nhiều bài nhạc kinh điển của những năm 1980. Thế nhưng, bản remaster loại bỏ không ít những bản nhạc tuyệt vời này. Đây cũng là phần chơi gây ức chế nhất trong bộ ba Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition vì vấn đề kỹ thuật. Tôi thường xuyên gặp tình trạng crash game không rõ nguyên nhân ngay cả khi chỉ mới bắt đầu trải nghiệm một thời gian ngắn. Đáng nói, vấn đề này diễn ra trên tất cả nền tảng chứ không chỉ riêng hệ máy nào.
Ổn định nhất là Grand Theft Auto: San Andreas nhưng vẫn phát sinh lỗi hình ảnh không ít, nhất là trong những đoạn chuyển cảnh. Phần chơi này đưa người chơi nhập vai nhân vật Carl Johnson quay về San Andreas làm đám tang cho mẹ sau nhiều năm sống tại thành phố Liberty của Grand Theft Auto III. So với hai game còn lại trong Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition, trải nghiệm game có nhiều bổ sung và cải tiến về mặt nội dung lẫn gameplay. Chẳng hạn có thêm phương tiện di chuyển là xe đạp.
Không những vậy, người chơi còn có thể thay đổi trang phục, kiểu tóc hay thậm chí hình xăm cho nhân vật chính. Carl phải ăn để sống và cũng bị béo phì nếu ăn quá nhiều giống như ngoài đời vậy. Thế giới trong Grand Theft Auto: San Andreas rộng lớn hơn rất nhiều so với trải nghiệm trong thành phố Vice. Chưa kể, trò chơi cũng có rất nhiều mini-game mà bạn có thể tham gia vui vẻ. Đây là điểm cộng không hề nhỏ của phần chơi này so với hai game còn lại trong bộ Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition này.
Đáng chú ý, trong số các hệ máy thì Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition phiên bản Switch có chất lượng hình ảnh và hiệu năng kém nhất. Dù chơi ở chế độ handheld hay gắn dock, hình ảnh đều mờ câm trong khi tốc độ khung hình lên xuống thất thường như nhảy lambada, nhất là khi hỗn chiến. Các trận đấu súng cũng vì thế mà gây ức chế không hề nhỏ trong trải nghiệm. Cảm giác điều khiển xe cũng khá tệ, một phần vì tay cầm Joy-Con nhưng không thể phủ nhận phần còn lại là do sự thay đổi trong cơ chế điều khiển xe.
Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition phiên bản Switch có hỗ trợ HD Rumble và con quay hồi chuyển, nhưng hai tính năng này không hữu dụng trong thực tế trải nghiệm. Vấn đề chủ yếu là do cơ chế bắn súng trong các game vẫn chỉ dừng ở mức cơ bản, mang đến cảm giác khá vụng về khi đấu súng. Không những thế, chuyển động của nhân vật cũng kém mượt mà trên phiên bản này, trong khi hình ảnh nhìn mờ câm vì độ phân giải thấp góp phần không nhỏ ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm nói chung và những trận hỗn chiến nói riêng.
Sau cuối, Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition mang đến một trải nghiệm phiêu lưu hành động 3-trong-1 thật đáng thất vọng, nhất là trên hệ máy của Nintendo. Chất lượng tệ hại của bộ sưu tầm này đặc biệt là bản Vice City, kết hợp cùng hàng loạt vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm của người chơi không thể bù đắp nổi những điểm cộng hiếm hoi của nó. Nếu yêu thích những cái tên kinh điển này, bạn nên chờ vài tháng sau phát hành để nhà phát triển khắc phục hậu quả, còn không thì nhắm mắt xem như nó không tồn tại vậy!
Sau cuối, Grand Theft Auto: The Trilogy – The Definitive Edition hiện có cho PC (Windows), PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đăng nhận xét