Đánh giá game Fatal Frame: Maiden of Black Water

Fatal Frame: Maiden of Black Water mà bài viết đề cập là bản remaster của game phiêu lưu rùng rợn cùng tên. Đây là phần chơi chính thứ 5 của series Fatal Frame hay còn gọi là Project Zero ở phần lớn châu Âu, ra mắt lần đầu trên hệ máy Wii U vào năm 2014. Mặc dù ba phần chơi đầu tiên rất thành công, nhưng dòng game này bắt đầu có những thăng trầm khi được “sang tay” cho Nintendo. Khởi điểm là Zero: Tsukihami no Kamen, phần chơi duy nhất trong series này không được chuyển ngữ và phát hành quốc tế tính đến thời điểm bài viết.

Thậm chí, ngay cả Fatal Frame: Maiden of Black Water dù được phát hành quốc tế trên hệ máy Wii U yểu mệnh, nhưng vướng phải nhiều vấn đề trong đó có cả chất lượng chuyển ngữ. Đã vậy, game nguyên bản cũng để lại cảm giác trái chiều với yếu tố fan service tương tự White Day: A Labyrinth Named School, phá hỏng không khí đặc trưng của thể loại phiêu lưu rùng rợn với bộ ngoại trang quá gợi cảm. Phần lớn những vấn đề kể trên đều được khắc phục trong bản remaster, biến nó trở thành cái tên vô cùng đáng chào đón dù là nền tảng nào.

Đáng chú ý, Fatal Frame: Maiden of Black Water cũng là game đầu tiên trong series Fatal Frame được phát hành cho PC và các hệ console hiện đại. Nếu từng chơi trên Wii U trước đây, đó vẫn là nguyên vẹn trải nghiệm mà bạn vẫn nhớ. Tuy nhiên, mỗi nền tảng sẽ có thế mạnh riêng về cơ chế điều khiển, đặc biệt là PC và Nintendo Switch. Trong đó, hệ máy của Nintendo linh hoạt hơn về điều khiển tùy thuộc bạn trải nghiệm ở chế độ handheld hay gắn dock. Bản PC thì hỗ trợ chuột giúp thao tác chụp hình chiến đấu với hồn ma chính xác hơn.

Đánh giá game Fatal Frame: Maiden of Black Water

Chụp hình cũng là cơ chế gameplay độc đáo của series Fatal Frame nói chung và bản Maiden of Black Water nói riêng. Đây còn là dấu ấn rất riêng biến dòng game này trở nên khác biệt, trở thành tượng đài của thể loại kinh dị mà DreadOut lấy làm cảm hứng. Mặc dù không sở hữu câu chuyện kể xuất sắc như hai phần đầu của series, nhưng trò chơi có sự điều chỉnh cách kể chuyện quen thuộc cũ. Đáng chú ý là loại bỏ việc phải đi đi về về liên tục, không kế thừa thiết kế cũ kỹ và gây nhiều ức chế của các game Fatal Frame kinh điển.

Thú vị hơn hết, cốt truyện Fatal Frame: Maiden of Black Water khai thác nhiều vấn đề trong xã hội ngày nay, lồng ghép các yếu tố sức khỏe tâm thần của cuộc sống hiện đại xoay quanh câu chuyện tâm linh. Nhiều đề tài trong trải nghiệm game như trầm cảm hay bị cô lập và nhiều nữa lại vô tình trùng hợp vấn đề tâm lý của nhân loại giữa thời điểm đại dịch cúm Vũ Hán đang hoành hành khắp thế giới. Kỳ thực, đó là những đề tài quen thuộc trong thể loại tâm lý kinh dị, góp phần cộng hưởng không khí trải nghiệm căng thẳng của trò chơi.

Đặc biệt, Fatal Frame: Maiden of Black Water có sự góp mặt của nhân vật chính Hinasaki Miku trong phần chơi đầu tiên của series game. Sự kết nối của “cô gái năm đó” trong câu chuyện kể rất thú vị. Ở góc độ người đã chơi không sót bản Fatal Frame nào trên tất cả các hệ máy mà dòng game này phát hành, người viết vẫn cảm thấy hết sức thỏa mãn khi đội ngũ biên kịch chấp bút mở rộng cốt truyện cũ. Nói đâu xa, Fatal Frame không chỉ khởi đầu mà còn là cội nguồn của bức tượng đài từ hai thập niên trước ở thời điểm bài viết.

Tuy câu chuyện kể khá tăm tối, nhưng Fatal Frame: Maiden of Black Water được các biên kịch xử lý khá tốt. Không chỉ làm bật lên nhân tính của vai phản diện, mà còn khiến bạn đồng cảm với nỗi đau của họ ở mức độ nào đó tùy vào sự nhạy cảm của mỗi người. Đồng thời, đây cũng là những yếu tố xây dựng thế giới trong game, tạo nên hiệu ứng dây chuyền cực tốt cho trải nghiệm đầy căng thẳng mà trò chơi hướng đến. Đó là chưa kể, chúng đóng vai trò liên kết rất thú vị với yếu tố tâm linh nặng nề và u ám được thiết kế trong trải nghiệm.

Đánh giá game Fatal Frame: Maiden of Black Water

Về cơ bản, chiếc máy ảnh cổ mà các nhân vật điều khiển nhặt được trong cuộc điều tra chính là vũ khí của người chơi. Đây đồng thời là vật phẩm giúp bạn thấy được những thứ vô hình trước đôi mắt trần tục của nhân vật chính. Người chơi còn sử dụng Camera Obscura để chụp hình những con ma và đối đầu với chúng. Lúc kẻ thù tiếp cận gần nhân vật và tấn công cũng là thời khắc nguy hiểm và quan trọng nhất. Bắt đúng khoảnh khắc này gây sát thương ‘fatal frame’ cực khủng cho chúng. Không chỉ vậy, nó còn liên quan đến điểm thưởng của shot hình.

Điểm thưởng này dùng để nâng cấp khả năng chụp hình của Camera Obscura và mua ngoại trang cho nhân vật trong trải nghiệm Fatal Frame: Maiden of Black Water. So với nguyên bản Wii U, những bộ trang phục quá gợi cảm và không phù hợp trải nghiệm game đặc trưng đã bị loại bỏ và thay bằng đồ kín đáo hơn. Thậm chí, phiên bản Switch cũng không còn các trang phục liên quan đến series Legend of Zelda và Metroid của Nintendo như Wii U nữa. Phiên bản các hệ máy giờ đây giống nhau về nội dung, từ mở khóa thông qua trải nghiệm lẫn DLC thu phí.

So với bốn phần chơi Fatal Frame trước, bản Maiden of Black Water bổ sung vài cải tiến đáng chú ý. Một trong số đó là hệ thống bản đồ và gợi ý đường đi thông qua bóng ma màu trắng. Mặc dù đây không phải tính năng đặc biệt khi so với tiêu chuẩn mới trong thiết kế game hiện đại, nhưng nó cực kỳ hữu dụng giúp hạn chế tình trạng đi lạc lòng vòng trong các game Fatal Frame cũ trong series. Tuy nhiên, bạn đừng quá phụ thuộc vào tính năng này, vì có những thời điểm trò chơi buộc người chơi phải tự lực cánh sinh trong việc dò đường.

Ngoài ra, những phân cảnh nhặt đồ và mở cửa cũng có vài điều chỉnh đáng đề cập. Đơn cử nhặt đồ đòi hỏi bạn phải thao tác giữ luôn nút bấm tương tác một khoảng thời gian nhất định và phản xạ buông nút thật nhanh mỗi khi “có biến”. Đó là gì thì tôi xin để dành cho bạn trải nghiệm, nhưng chắc chắn khiến người chơi muốn đứng tim ít nhất vài lần. Chuyển động khi nhân vật mở cửa và góc nhìn camera cũng có cải thiện tăng sự căng thẳng trong trải nghiệm hơn, kết hợp tuyệt vời không khí nặng nề đặc trưng của series game Fatal Frame.

Đánh giá game Fatal Frame: Maiden of Black Water

Fatal Frame: Maiden of Black Water có một tính năng khá thú vị, góp phần bổ trợ cho khía cạnh câu chuyện kể mà các phần chơi cũ không có: Fatal Glance. Đây là cách tinh tế và có tính tưởng thưởng cao, truyền tải nhiều chi tiết câu chuyện kể về các nhân vật phản diện mà bạn đối mặt vào trải nghiệm game. Tuy nhiên, nó đòi hỏi bạn phải khẩn trương và phản xạ nhanh vì khoảnh khắc ‘fatal glance’ rất ngắn. Người chơi mất hoàn toàn cơ hội “hóng chuyện” nếu không kịp chạm vào trước thời điểm kẻ thù bay màu sau khi bị chụp hình “te tua”.

Tính đến thời điểm bài viết, tuy game gốc đã hơn nửa thập niên, nhưng chất lượng đồ họa đại tu vẫn khá đẹp so với mặt bằng chung hiện nay. Nhà phát triển Team Ninja vốn rất “mát tay” trong xây dựng tạo hình các nhân vật nữ nên tôi không cần phải đề cập thêm về khía cạnh này. Bối cảnh game vừa đẹp vừa đáng sợ. Đó là nhờ vào những khung cảnh lấy cảm hứng từ các địa danh nổi tiếng đầy chướng khí ở đất nước mặt trời mọc như núi Osore hay rừng Aokigahara, tất nhiên là với tên mới trong trải nghiệm Fatal Frame: Maiden of Black Water.

Mỗi nền tảng lại có sự khác biệt về cảm giác trải nghiệm với ưu và khuyết điểm riêng. Ở góc độ người chơi, phiên bản Switch ở chế độ handheld mang đến cảm giác gần giống nguyên bản Wii U nhất, kể cả độ phân giải hình ảnh. Người chơi có thể dùng điều khiển chuyển động thay cho cần analog phải để di chuyển khung hình của Camera Obscura. Đây kỳ thực là cơ chế tốt hơn so với tay cầm Joy-Con thiếu chính xác, thường gây khó cho người viết khi bắt khoảnh khắc cần chụp những lúc chiến đấu với kẻ thù trong trải nghiệm game.

Khi kết nối với tivi ở chế độ gắn dock, cảm giác trải nghiệm tương tự hệ máy của Microsoft và Sony. Nintendo Switch chỉ khác biệt độ phân giải và tốc độ khung hình thấp hơn. Cụ thể, phiên bản Switch chỉ dừng ở 30fps trong khi các hệ máy mới đều mượt mà với 60fps. Không những vậy, sự đánh đổi cho chất lượng đồ họa tương đồng ở khía cạnh nhìn với các hệ máy khác là hiệu năng không duy trì ổn định. Tuy nó hiếm gây vấn đề khi bạn chiến đấu bằng Camera Obscura, nhưng điều này vô tình khiến trải nghiệm game có phần rùng mình hơn.

Đánh giá game Fatal Frame: Maiden of Black Water

Tuy đây không hẳn là điểm cộng nhưng chắc chắn cũng không phải điểm trừ dành cho hệ máy của Nintendo. Ngược lại, bản PC hỗ trợ chuột nên thao tác khi sử dụng Camera Obscura chính xác hơn rất nhiều. Mặc dù vậy, phiên bản này lại có khá nhiều lỗi vặt gây ảnh hưởng đến trải nghiệm game. Vấn đề ở chỗ, Maiden of Black Water có cơ chế điều khiển và thiết lập nút bấm khi trải nghiệm bằng tay cầm khá vụng về, có phần giống ba phần chơi kinh điển đầu tiên hơn. Chính vì vậy, vấn đề này dễ để lại cảm giác trái chiều cho người chơi mới.

Điều này cũng đồng nghĩa cảm giác trải nghiệm game trên nền tảng của Microsoft và Sony kém hào hứng nhất, khiến bạn mất nhiều thời gian làm quen nếu chưa từng chơi bất kỳ bản Fatal Frame nào trước đây. Ở góc độ người chơi, trải nghiệm trên các hệ máy PlayStation kém trực quan nhất khi bật điều khiển chuyển động. Nó thường để lại cảm giác giả trân khi người viết điều khiển Camera Obscura bằng tính năng nói trên thay vì xoay cần analog phải. Lý do là bạn phải vừa nhìn tivi vừa di chuyển tay cầm trong không gian vô hình.

Bên cạnh phần chơi chính theo cốt truyện với ba nhân vật điều khiển khác nhau, Fatal Frame: Maiden of Black Water còn có các màn chơi thêm với nhân vật điều khiển cũng là khách mời trong Ninja Gaiden: Master Collection. Tuy nhiên, những màn này sở hữu lối chơi hành động lén lút thay vì sử dụng Camera Obscura để chiến đấu với các hồn ma. Chúng mang đến cảm giác trải nghiệm khác biệt, giúp thay đổi không khí và là phần thưởng dành cho những ai hoàn thành phần chơi chính vốn không mấy thử thách vì trải nghiệm tuyến tính.

Ngoài đại tu hình ảnh và tốc độ khung hình cao trên các hệ máy có phần cứng đủ mạnh, Fatal Frame: Maiden of Black Water còn bổ sung một số ngoại trang mới. Chẳng hạn bộ đồ Ryza mặc trong Atelier Ryza 2: Lost Legends & The Secret Fairy dành cho nhân vật chính Kozukata Yuri. Những ai thích “bắt trọn khoảnh khắc” chắc chắn rất hào hứng với Snap Mode mới toang chỉ có trong bản remaster. Tính năng này cung cấp khả năng tùy biến khá cao cho những shot hình, giúp người chơi cho ra lò những hình chụp cực chất làm của để dành.

Đánh giá game Fatal Frame: Maiden of Black Water

Sau cuối, Fatal Frame: Maiden of Black Water mang đến một trải nghiệm phiêu lưu rùng rợn vô cùng đặc sắc. Đây là một trong những game hiếm hoi không cần dùng nhiều đến nhạc nền, tập trung vào âm thanh tiếng động để mang đến cho người chơi cảm giác hết hồn chim én vô cùng hiệu quả. Với dấu ấn rất riêng, đây chắc chắn là cái tên bạn không thể bỏ qua dù lựa chọn hệ máy nào. Ngắn gọn vậy thôi!

Fatal Frame: Maiden of Black Water hiện có cho PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.

Nintendo eShop

FATAL FRAME / PROJECT ZERO: Maiden of Black Water ($ 39.99, Steam) →

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm Số  
Xem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги