Đánh giá game Faraday Protocol
Faraday Protocol là một trong những game giải đố góc nhìn thứ nhất hiếm hoi mang đến cho người viết cảm giác thỏa mãn. Đội ngũ phát triển Red Koi Box khá tinh tế trong xây dựng cơ chế giải đố, giúp người viết chơi bắt khá dễ dàng mà không cần cầm tay chỉ việc hoặc xây dựng hướng dẫn cơ bản như thường thấy. Đáng nói, cảm giác này đến một cách tự nhiên thông qua trải nghiệm game và cũng là điểm cộng thiết kế lớn nhất của trò chơi. Đó là chưa kể giao diện game tối giản, chỉ hiển thị khi nào cần chứ không chiếm màn hình.
Các câu đố trong Faraday Protocol cũng vậy. Ban đầu chỉ là những cơ chế khá đơn giản nhưng tăng dần mức độ phức tạp về sau. Cảm giác giải đố khá trực quan dù game gần như không có gợi ý gì trong màn chơi. Đó là cảm giác quen thuộc với những cơ chế giải đố lặp lại thường xuyên, tương tự The Pillar: Puzzle Escape và nhiều trải nghiệm giải đố trốn thoát khỏi căn phòng kín mà tôi từng chơi. Mặc dù vậy, trải nghiệm game hiếm khi để lại cảm giác nhàm chán nhờ vào thiết kế câu đố hấp dẫn và không kém phần hại não.
Không lòng vòng, Faraday Protocol dẫn dắt người chơi vào thẳng trải nghiệm giải đố. Nó như mê cung với nhiều căn phòng giống nhau, dễ khiến bạn nhầm lẫn nếu không tập trung quan sát và tách bạch giữa chúng. Ban đầu, ý tưởng giải đố chỉ xoay quanh việc sử dụng công cụ gọi là Bia mang hình thù như súng đồ chơi. Nhân vật chính dùng nó thu năng lượng từ các bức tượng xanh hoặc cam và bắn vào những công tắc cùng màu. Mục đích là để vận hành cửa ngăn cách giữa những căn phòng hoặc cung cấp năng lượng cho công tắc hoạt động.
Bức tượng màu nào thì chỉ kích hoạt công tắc màu đó. Vấn đề ở chỗ, Bia chỉ có thể dùng từng lần một theo nguyên tắc cùng màu nói trên. Về sau còn có thêm các công tắc mang biểu tượng được biến tấu từ ý tưởng cùng màu nói trên, thay vì khớp màu thì giờ đây khớp biểu tượng. Mục đích vẫn nhằm mở cánh cửa ngăn cách những căn phòng để tiếp cận khu vực mới. Tính thử thách trong Faraday Protocol ngày càng cao khi người chơi phải thường xuyên quay lại căn phòng trước đó thu thập hoặc đổi nguồn sáng để giải đố.
Mặc dù mô tả có vẻ rất đơn giản nhưng kỳ thực trải nghiệm Faraday Protocol phức tạp và không kém phần thử thách. Đội ngũ phát triển Red Koi Box khá chắc tay và tinh tế trong thiết kế trải nghiệm game rất cân bằng về độ khó. Mỗi ý tưởng giải đố mới đều được khéo léo nâng cấp sau lượng câu đố nhất định. Chính vì vậy mà mặc dù trải nghiệm game khá thử thách, nhưng không khi nào khiến người viết cảm thấy quá tải vì chưa kịp làm quen cơ chế giải đố cũ đã phải đối mặt các ý tưởng mới mà nhiều nhà phát triển hay mắc phải.
Thế nhưng, thử thách nhất không phải những câu đố giúp bạn hiểu được cốt truyện của trò chơi, mà là các vật phẩm thu thập. Có tổng cộng 18 vật phẩm thu thập giấu rải rác trong các màn chơi chờ bạn vượt qua câu đố cân não và chút may mắn để tìm chúng. Đáng nói, do thời lượng Faraday Protocol không quá dài nên khoảng thời gian mà bạn bỏ ra để thu thập cho đủ bộ cũng góp phần tăng thêm thời lượng cho game. Chưa kể, bạn nào có ý định săn trophy/achievement càng không thể bỏ qua những vật phẩm thu thập này.
Thậm chí, đừng quá ngạc nhiên nếu lượt chơi đầu mà bạn không tìm thấy bất kỳ vật phẩm thu thập nào. Chúng được giấu rất kỹ. Nói đâu xa, bản thân người viết cũng cố gắng lùng sục mọi ngóc ngách trong từng màn chơi lắm, nhưng chỉ tìm được gần phân nửa vật phẩm thu thập trong lần chơi đầu tiên. Tuy những vật phẩm này không giúp mang lại giá trị chơi lại cao cho Faraday Protocol như kỳ vọng, nhưng cảm giác khi mở khóa được trophy/achievement Collector ẩn lại vô cùng thỏa mãn và hoàn toàn tương xứng với công sức bỏ ra.
Tuy tôi nói Faraday Protocol có thời lượng khá ngắn, nhưng điều đó còn tùy thuộc trình độ giải đố của mỗi người. Không những thế, trò chơi xây dựng bối cảnh, thế giới và cốt truyện đều hấp dẫn. Tôi chỉ không thích cách phối màu chủ yếu đen và vàng tạo cảm giác mọi căn phòng đều na ná nhau, dễ gây nhầm lẫn khi giải đố. Mặc dù đây có thể là chủ ý thiết kế của nhà phát triển để tăng tính thử thách và làm rối người chơi, nhưng nó có vẻ trái ngược với nhiều thiết kế game khá tinh tế trong trải nghiệm.
Chẳng hạn, Faraday Protocol thông báo bằng âm thanh đặc trưng khi bạn hoàn thành câu đố, giúp người chơi biết được họ đang đi đúng hướng mà không cần cầm tay chỉ việc lộ liễu. Nhịp độ game cũng khá ấn tượng khi tăng dần độ khó vô cùng hợp lý. Hầu như các câu đố về sau chỉ là biến tấu được nâng cấp của câu đố đơn giản hơn mà bạn đã quá quen những lần trước đó. Đội ngũ phát triển cân chỉnh độ khó các câu đố rất cân bằng, không quá khó khiến bạn ức chế vò đầu bứt tóc lâu nhưng cũng không dễ đến mức chẳng có chút thử thách nào.
Ở góc độ người chơi, Faraday Protocol cũng sở hữu câu chuyện kể thú vị và cuốn hút. Thậm chí, nói không sai khi yếu tố này đồng thời là điểm cộng vì gợi nhiều tò mò, khiến người viết đắm chìm vào trải nghiệm giải đố của game. Tôi không muốn tiết lộ câu chuyện kể nên chỉ có thể úp mở rằng bạn là Raug Zeekon, nhà khảo cổ học liên hành tinh nhận lệnh điều tra nguồn tín hiệu bí ẩn xuất phát từ hành tinh cổ đại. Chào đón người chơi khi vừa đến nơi này là nhân vật bí ẩn tạm gọi Drone cùng nút thắt và cái kết bất ngờ.
Sau cuối, Faraday Protocol mang đến một trải nghiệm giải đố vô cùng đặc sắc. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là cân bằng mọi khía cạnh quá tốt, biến nó trở thành cái tên cực kỳ đáng chú ý mà các tín đồ của thể loại hại não này không nên bỏ qua.
Faraday Protocol hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.
Faraday Protocol ($24.99, Microsoft Store) →
Faraday Protocol ($ 19.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên SteamTham gia kênh Steam của Trải Nghiệm SốXem thêm bài đánh giá các game khácTrải Nghiệm Số viết rất nhiều bài đánh giá game, bạn đừng bỏ lỡ nhé!
Đăng nhận xét