Đánh giá game Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed

Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed là bản remaster của game hành động nhập vai Akiba’s Trip từ thời hoàng kim của máy chơi game cầm tay PlayStation Portable. Chính xác hơn là bản Plus của nguyên bản. Mặc dù vậy, tựa game vừa tròn 10 năm tuổi này chưa từng được xuất ngoại khỏi đất nước mặt trời mọc cho đến tận bây giờ với phiên bản mới. Đáng chú ý là đồ họa tuy được đại tu lên độ phân giải cao hơn, nhưng vẫn không giấu được cảm giác cũ kỹ ở khía cạnh hình ảnh trong từng khung cảnh ở khu phố sầm uất Akihabara của trải nghiệm.

Thậm chí chưa nói đến các nền tảng có phần cứng mạnh hơn, so với hậu bản không trực tiếp Akiba’s Trip: Undead & Undressed trên PlayStation Vita cũng đã khác cả trời cả vực. Điều này để lại ấn tượng ban đầu không tốt cho người viết. Tương tự, khía cạnh nghe cũng không có sự đầu tư chăm chút cẩn thận. Trong khi nhạc có chất lượng khá tốt ngay cả khi trải nghiệm bằng tai nghe thì phần tiếng động lại không được như vậy, để lại cho tôi chút cảm giác hụt hẫng khi nghe âm thanh các nhân vật tung đòn tấn công trong trải nghiệm.

Đánh giá game Akiba's Trip: Hellbound & Debriefed

Ngược lại, khâu lồng tiếng khá tốt đặc biệt là phần lồng tiếng Nhật của các seiyuu. Không những vậy, Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed còn cho người chơi chọn lựa giữa lồng tiếng Anh. Cốt truyện trong game bắt đầu với nhân vật Nanashi trong một đêm trăng thanh gió mát bị ma cà rồng động tay động chân suýt chết. Nhờ sự cứu giúp của cô gái ma cà rồng bí ẩn, nhân vật chính bảo toàn được mạng sống và bị tổ chức NIRO bí ẩn đưa đi, thỏa thuận sát cánh cùng họ chiến đấu chống lại ma cà rồng bảo vệ người dân thành phố.

Ở góc độ người chơi, bối cảnh Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed khá thú vị khi mang nhiều văn hóa otaku trong trải nghiệm. Đơn cử như các địa điểm trong game được tái hiện từ cảnh thật khu phố điện tử Akihabara sầm uất ở Thiên Đại Điền (Chiyoda) thuộc thành phố Tokyo, nước Nhật. Thế nhưng, vì là khung cảnh từ những năm 2010 nên ít nhiều cũng có khác biệt so với cảnh thật ở thời điểm bài viết. Thậm chí, ngay cả những đoạn chuyển cảnh cũng có rất nhiều thông tin mang tính quảng bá cho các địa danh nổi tiếng ở nơi đây.

Lối chơi của Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed không khác biệt so với nguyên bản năm 2011 và bản Plus năm 2012. Về cơ bản, trải nghiệm game vẫn đi theo công thức quen thuộc của các JRPG ngày xưa. Người chơi điều khiển Nanashi sử dụng các loại trang bị để chiến đấu, thăng cấp cho nhân vật mạnh hơn và đưa ra những lựa chọn dẫn đến kết cục khác nhau. Tuy nhiên, giá trị chơi lại của game không chỉ dừng ở đó. Trò chơi sở hữu rất nhiều yếu tố fan service thú vị được mở khóa một khi bạn hoàn tất trải nghiệm lần đầu.

Đánh giá game Akiba's Trip: Hellbound & Debriefed

Bên cạnh khía cạnh trang bị thay đổi, công cụ hỗ trợ hiếm hoi mà người chơi có thể sử dụng là tính năng chụp hình trên smartphone. Công cụ này giúp bạn nhận ra đâu là các kẻ thù Shadow Soul mà người chơi phải đối mặt giữa rừng người trong các khu phố khác nhau. Chiến đấu tuy mang màu sắc beat ’em up nhưng yếu tố fan service khá hài hước, giúp tạo nên cảm giác trải nghiệm khác biệt so với hầu hết các game hành động nhập vai trên thị trường. Ngoài việc manh động tay chân với các loại vũ khí, bạn còn phải lột trần kẻ thù.

Người chơi có thể kích hoạt tấn công bằng cách xô đối thủ, nhưng một số NPC có thể bất ngờ đi quyền khi bạn chỉ đi ngang qua họ. Trong trận chiến, nhân vật của người chơi có thể sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau. Từ nghiêm túc như găng tay, gậy gộc cho tới những thứ rất đời thường như chổi chà, dù (ô) che mưa đến cả máy tính bảng hay laptop. Đòn thế tấn công chia làm ba vị trí thượng, trung và hạ. Mỗi vị trí gây hư hại cho ngoại trang tương ứng đến mức độ nhất định thì có thể giật đồ khiến kẻ thù phơi thân mình dưới ánh nắng.

Có lẽ tôi cũng không cần giải thích ma cà rồng sợ nắng như thế nào và cách tấn công nói trên giúp tiêu diệt chúng ra sao. Tuy nhiên, nhân vật của người chơi cũng là ma cà rồng nên đối thủ dễ dàng áp dụng ngược lại dẫn đến màn hình ‘game over’ đen tối. Bên cạnh đó, nhân vật có thể học thêm kỹ năng mới từ sách hoặc phần mềm mua tại gian hàng ở các khu phố khác nhau. Kỳ thực, Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed sở hữu hệ thống chiến đấu đơn giản hơn khá nhiều so với hậu bản không trực tiếp Undead & Undressed.

Không những vậy, điểm trừ lớn nhất của bản remaster này là cơ chế điều khiển chiến đấu khá vụng về, ít nhất là trên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. Độ trễ có thể nhận thấy so với thời điểm bạn bấm nút trên tay cầm tới khi nhân vật hành động. Thậm chí, việc triển khai tuyệt kỹ cũng khá khó khăn với cần analog kém chính xác của Joy-Con. Ức chế nhất là những trận một mình chống Shadow Soul mà bạn phải đối mặt từ hai kẻ thù trở lên, khiến việc chọn mục tiêu tấn công cũng trở thành thử thách không hề nhỏ trong trải nghiệm.

Đánh giá game Akiba's Trip: Hellbound & Debriefed

Giải pháp mà tôi thường sử dụng là đánh du kích, vừa đánh vừa chạy lòng vòng trong phần lớn cuộc chiến như thế. Thế nhưng, vấn đề nói trên chưa kịp giải quyết xong thì người chơi phải đối mặt với góc nhìn vô cùng hạn chế. Đây vốn là vấn đề trong nguyên bản của Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed nhưng vẫn không được khắc phục, dù chỉ cần kéo camera ra xa hơn là được. Nó biến không ít trải nghiệm chiến đấu thành thử thách sự kiên nhẫn của người chơi, nhất là trong các trận đánh boss đi kèm với đàn em của chúng.

Bù lại, Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed có rất nhiều hoạt động và mini-game cho bạn thư giãn trong trải nghiệm. Từ trò gắp thú thường thấy trong các trung tâm thương mại cho đến không ít nhiệm vụ phụ khá hài hước. Chúng giúp người chơi hiểu thêm về các NPC cũng như thử sức với những trận chiến khó hơn, đòi hỏi bạn phải nâng cấp trang bị cẩn thận trước khi làm nhiệm vụ. Đó là chưa kể các nhiệm vụ phụ có thời gian giới hạn, rất dễ thất bại nếu bạn hoàn thành trễ và cũng chẳng thể nhận lại để làm.

Thú vị nhất có lẽ là Maid Café, một trong những nét văn hóa nổi tiếng ở Akihabara. Mini-game này đưa ra những câu hỏi mà bạn phải trả lời chính xác về nhân vật idol hư cấu nào đó. Chỉ là tôi nhất thời chưa thể nhận định lấy cảm hứng từ đâu. Trả lời đúng, bạn được thưởng Maid Point dùng để đổi lấy tiền thông qua thông qua nhiệm vụ phụ khác rất hài hước. Không những vậy, một số nhiệm vụ phụ còn mang tính quảng bá địa danh ở khu vực Akihabara rất thú vị, nhất là với những ai yêu thích đặc trưng của văn hóa Nhật Bản và giới otaku.

Đánh giá game Akiba's Trip: Hellbound & Debriefed

Các NPC mà bạn gặp gỡ trong trải nghiệm Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed cũng rất đặc biệt. Một số được tái hiện từ nét văn hóa thường gặp ở Akihabara ngoài đời thật. Chẳng hạn, bạn có thể bắt gặp các cô gái xinh đẹp cầm tờ bướm giới thiệu và mời bạn đến nhà hàng của họ. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ có tính chất tương tác và quảng bá văn hóa trong trải nghiệm game. Người chơi không được vào nhà hàng ăn uống no say và hẹn hò như Persona 4 Golden. Bạn chỉ có thể vào cửa hàng mua trang bị, sách và phần mềm hỗ trợ chiến đấu.

Tương tự, cảnh sát có thể xuất hiện và trấn áp tội phạm khi bạn bị chúng tấn công. Tuy nhiên, đôi lúc hành vi thực thi công lý của họ cũng gây phiền nhiễu cho người chơi. Đơn cử như tôi từng gặp trường hợp NPC cần tiêu diệt bị cảnh sát tóm, buộc người viết phải thoát khỏi màn chơi và quay lại để khắc phục vấn đề trên. Không những vậy, một số thiết kế gameplay cũng gây nhiều khó chịu cho người chơi. Chẳng hạn, bạn chỉ có thể thay đổi trang bị khi quay về bản đồ chứ không thể thực hiện mọi lúc mọi nơi như bản Undead & Undressed.

Vấn đề ở chỗ, mỗi lần như vậy lại phải mở menu lên và mất nhiều thao tác trước khi có thể tiếp cận được màn hình đổi trang bị. Nếu bạn lỡ quên làm điều này trước khi thực hiện nhiệm vụ, việc phải rời khỏi màn chơi và chờ tải dữ liệu cũng mất rất nhiều thời gian. Các NPC cũng vậy. Ngoài một số NPC có nhiệm vụ đặc thù, hầu hết số còn lại chỉ là những khuôn mặt đáng thương mà bạn thường gặp hết lần này đến lần khác. Họ chỉ có khác biệt rõ nét nhất là ngoại trang và vũ khí đeo trên vai dù không đến mức quá đa dạng.

Bù lại, những lựa chọn lời thoại của người chơi trong các nhiệm vụ chính gián tiếp dẫn đến những kết cục khác nhau. Chúng góp phần mang đến giá trị chơi lại khá cao khi kết hợp cùng lượng ngoại trang và tạo hình phong phú mà bạn có thể tùy biến cho nhân vật chính từ lần chơi thứ n trong New Game+. Ngay cả độ khó trong trải nghiệm Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed cũng xoay quanh khía cạnh nói trên. Các thiết lập này không những có tính thử thách hơn trong chiến đấu mà còn có thêm một số nội dung mới chỉ xuất hiện ở độ khó cao.

Đánh giá game Akiba's Trip: Hellbound & Debriefed

Sau cuối, Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá hào hứng với đề tài về otaku và quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản. Cốt truyện tuy không xuất sắc nhưng có tính nhân văn và mang thông điệp thú vị. Mặc dù yếu tố nghe nhìn không được đại tu tương xứng, nhưng yếu tố fan service cùng lượng nội dung hấp dẫn khiến trò chơi trở thành cái tên khá đáng cân nhắc, nhất là những ai chưa từng trải nghiệm game nguyên bản.

Akiba’s Trip: Hellbound & Debriefed hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.

Nintendo eShop

AKIBA'S TRIP: Hellbound & Debriefed (0 , Steam) →

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги