5 khó khăn khi làm việc theo nhóm và cách vượt qua
Tất cả chúng ta đều biết rằng làm việc theo nhóm có khả năng thúc đẩy sự sáng tạo và tăng năng suất chung cho một tổ chức. Tuy nhiên, đi theo đó là sự khác biệt trong tính cách, phong cách làm việc. Do đó, bạn cần sẵn sàng đối mặt với vô số vấn đề phát sinh khi làm việc nhóm để giữ cho guồng quay công việc ổn định, hiệu quả nhất.
Dưới đây là 5 khó khăn khi làm việc theo nhóm và cách để khắc phục chúng theo chia sẻ của các chuyên gia nhân sự công ty tuyển dụng và việc làm CareerLink.
Thiếu sự tin tưởng lẫn nhau
Niềm tin là nền tảng quan trọng của tất cả các mối quan hệ và đặc biệt là trong công việc. Khi làm việc độc lập, bạn đã quen với việc đưa ra quyết định và hoàn thành nhiệm vụ một mình. Nhưng khi làm việc với một tập thể, bạn cần học cách tin tưởng các thành viên trong nhóm để cùng nhau thực hiện mục tiêu cuối cùng.
Đôi khi, một thành viên trong nhóm mắc sai lầm và bạn cảm thấy khó để tin tưởng họ với bất kỳ quyết định nào khác. Suy nghĩ này có thể phá vỡ liên kết của cả nhóm, tạo ra một không khí làm việc ngột ngạt và làm mọi người mất động lực.
Để xây dựng lòng tin giữa các thành viên trong nhóm, cần thúc đẩy họ thẳng thắn hơn và giao tiếp với nhau nhiều hơn. Đồng thời, hãy khuyến khích các thành viên đưa ra ý kiến trước tập thể, tạo cho họ cơ hội để chứng minh rằng mọi người có tin tưởng vào họ.
Một cách đơn giản khác là hãy là chính mình tại nơi làm việc. Khi bạn thể hiện là bản thân đích thực, việc thiết lập các mối quan hệ dựa trên sự cởi mở và trung thực sẽ dễ dàng hơn.
Mục tiêu chung không rõ ràng
Thật khó để hoàn thành tốt công việc khi bạn không biết tại sao mình phải làm việc đó. Khi thiếu mục tiêu, bạn cũng không có lý do thuyết phục để kết nối với các đồng đội. Bạn thường chỉ làm những gì được yêu cầu mà không muốn nỗ lực hơn 100%. Bên cạnh đó, nếu bạn không cùng quan điểm với các thành viên khác về mục tiêu chung sẽ dẫn đến xung đột và ảnh hưởng đến năng suất của cả nhóm.
Nếu bạn là trưởng nhóm, chìa khóa để tạo động lực là hãy trao đổi rõ ràng và thường xuyên với nhóm rằng tại sao nhóm này lại tồn tại. Đặt ra những mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo tất cả thành viên đều nhận thức rõ hướng đi. Khi đó, cả đội sẽ có cơ sở để làm việc với năng suất tối đa.
Khác biệt trong tính cách
Những cá tính, quan điểm khác nhau có thể giúp các đồng đội bù trừ cho nhau và khiến nhóm của bạn thêm nhiều màu sắc, nhưng đồng thời cũng là mầm mống xung đột khi làm việc nhóm. Ví dụ, một thành viên với phong cách làm việc máy móc, không thích rủi ro hẳn sẽ có những lúc phải “nhíu mày” trước cách tiếp cận của một thành viên bay bổng, muốn thử nghiệm những hướng đi mới lạ. Khi tranh cãi nổ ra, rất khó để nhận định và hòa giải ai đúng ai sai, bởi sự khác biệt là từ quan điểm của mỗi người.
Để hạn chế rủi ro này, từ đầu hãy phổ biến cho cả nhóm thái độ và hành vi nào nên và không nên có khi làm việc chung với nhau, đề ra những quy tắc về sự tôn trọng lẫn nhau trong công việc. Thay vì đổ lỗi, hãy tìm cách để họ bỏ qua cái tôi cá nhân, cố gắng thấu hiểu nhau và làm việc cùng nhau hiệu quả hơn.
Chênh lệch về khả năng
Một số nhân viên đóng góp nhiều hơn những người còn lại trong nhóm, đơn giản vì họ giỏi hơn hoặc biết cách làm việc hiệu quả hơn. Những nhân viên này thường được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn và kể cả khi họ không là người lãnh đạo, tiếng nói của họ cũng vô tình được coi trọng hơn.
Ngược lại, tất nhiên cũng có những nhân viên chậm chạp và kém hiệu quả hơn, làm giảm năng suất chung và gây khó chịu cho những người có thành tích cao trong nhóm. Sự khác biệt về khả năng này là nguồn cơn của những cảm xúc tiêu cực như tự ti, thiếu động lực, hay tệ hơn là ấm ức, đố kị.
Là một lãnh đạo, hãy tạo một môi trường mà mọi thành viên đều được quý trọng, đồng thời khuyến khích bỏ qua cái tôi vì lợi ích của tập thể. Các kỳ vọng phải được thiết lập dựa trên năng lực và kỹ năng của từng người, nhưng cần đảm bảo ai cũng có việc để làm và đều xứng đáng được khen ngợi. Những người nhanh nhẹn nên giúp đỡ những người chậm hơn. Và dù không phải một thành viên xuất chúng nhất, các thành viên vẫn cần cảm nhận được vai trò quan trọng của riêng mình.
Đòi hỏi sự gặp mặt trực tiếp
Một khó khăn khi làm việc theo nhóm là đòi hỏi sự gặp mặt trực tiếp. Mặc dù hiện nay công nghệ rất phát triển, thực tế cho thấy một nhóm vẫn làm việc nhanh chóng và hiệu quả hơn khi gặp nhau trực tiếp. Trao đổi mặt đối mặt cho phép các thành viên truyền tải đầy đủ nội dung bằng nhiều hình thức giao tiếp, bao gồm cả tín hiệu không lời và ngôn ngữ cơ thể. Trong khi đó, họp trực tuyến tuy tiết kiệm thời gian di chuyển nhưng lại có nhiều rủi ro như kết nối mạng kém, dễ gây mất tập trung, khó gọi nhau khi cần gấp…
Tuy nhiên, qua 3 làn sóng dịch Covid và yêu cầu giãn cách xã hội, các công ty đã phải làm quen dần với làm việc trực tuyến. Vì vậy, thay vì chán nản khi phải làm việc online, hãy nghĩ cách cải thiện và để làm phong phú thêm kỹ năng giao tiếp từ xa giữa các thành viên trong nhóm. Ví dụ, bật camera để nhìn nhau khi họp thay vì chỉ gọi điện có thể tạo sự nghiêm chỉnh và sinh động cho cuộc trò chuyện bằng giao tiếp bằng mắt và các ngôn ngữ cơ thể khác.
Khi môi trường làm việc của chúng ta ngày càng trở nên phức tạp, thì làm việc nhóm cũng vậy. Nhưng đừng lo lắng vì luôn có những cách để khắc phục các khó khăn khi làm việc theo nhóm. Tất cả bắt đầu từ việc xây dựng một tập thể đề cao sự tin tưởng, nhận thức rõ mục tiêu chung và tôn trọng lẫn nhau.
Hà Phương
Đăng nhận xét