Đánh giá game Song of Horror

Song of Horror là game kinh dị sinh tồn vừa lấy cảm hứng từ rất nhiều cái tên kinh điển cùng thể loại trong xây dựng cơ chế gameplay. Trò chơi được phát hành theo từng episode cho PC trong khoảng thời gian một năm trước khi ra mắt trên các nền tảng console. Trải nghiệm game được xây dựng để tri ân những tượng đài của thể loại kinh dị sinh tồn. Mặc dù vậy, đội ngũ phát triển Protocol Games cũng có con ách chủ bài để tạo dấu ấn riêng thông qua hệ thống AI độc đáo The Presence, mang đến giá trị chơi lại cao.

Kỳ thực, Presence là kẻ thù mà người chơi phải đối mặt trong suốt trải nghiệm Song of Horror. Thực thể này không giống bất kỳ kẻ thù nào mà bạn từng đụng độ trong những tựa game sinh tồn khác. Nó giám sát người chơi và tự phản ứng theo những hành động của bạn. Mỗi khi nhân vật chính bước vào lãnh địa của Presence, nó có những hành động khác nhau dựa trên hành vi của người chơi. Từ khoảng cách bao xa mà nhân vật chuẩn bị tiếp cận vào “tâm bão” của nó cho đến tốc độ di chuyển của bạn nhanh hay chậm ra sao.

Đánh giá game Song of Horror

Presence hành xử không theo kịch bản cố định như cảnh “chó hù” vô cùng kinh điển trong trải nghiệm Resident Evil năm 1996. Kỳ thực, phân đoạn đó có thể khiến bạn hoảng sợ khi đụng độ lần đầu trong trải nghiệm Resident Evil, nhưng khi chơi đến lần hai hay thứ n thì cảm giác này gần như không còn nữa. Presence thì khác khi luôn biết thay đổi hành vi ngay cả khi bạn lặp lại trải nghiệm giống hệt lần trước. Nó học từ người chơi nên bất kể bạn chơi lại bao nhiêu thì cũng luôn có nhiều bất ngờ đón chờ trong trải nghiệm.

Người chơi không thể biết trước Presence sắp giở những chiêu trò gì do lối hành xử của nó thay đổi theo hành động của nhân vật chính. Thiết kế này mang đến giá trị chơi lại khá cao cho Song of Horror, đặc biệt là bầu không khí vô cùng căng thẳng khi bạn luôn bị động trước những chiêu trò mà Presence thực hiện. Chưa kể, cảm giác “toang” mỗi lần bạn để nhân vật điều khiển thất bại trước kẻ thù cũng đồng nghĩa vĩnh viễn mất đi nhân vật không may đó. Điều này tạo nên áp lực rất lớn cho người chơi trong suốt trải nghiệm game.

Yếu tố permadeath đóng vai trò quan trọng trong xây dựng trải nghiệm Song of Horror. Cốt chơi mở đầu với ông nhà văn mất tích bí ẩn cùng với gia đình, khiến chủ biên vô cùng lo lắng phải nhờ trợ lý Daniel điều tra. Nhân vật này đóng vai trò như phần hướng dẫn cơ bản trước khi số phận an bài, chuyển người chơi sang nhân vật mới có mối quan hệ thân thiết với Daniel để tiếp tục điều tra vụ mất tích của anh ta. Trải nghiệm cứ chuyển sang nhân khác mới đến khi ta chẳng còn ai là ‘game over’ và bạn phải chơi lại từ đầu.

Thiết kế này khá thú vị nhưng do đặc trưng trải nghiệm và yếu tố permadeath, phần lớn nhân vật đều không tạo sự gắn kết lâu dài với người chơi. Lối chơi của Song of Horror như bạn có thể hình dung là đi lang thang giữa các địa điểm và giải những câu đố ngăn cách câu chuyện kể tiếp diễn. Xen lẫn với đó là những khoảnh khắc căng thẳng khi người chơi bị truy đuổi hay tấn công từ thực thể Presence ẩn mình ở những địa điểm mà bạn tiếp cận. Nó chẳng khác nào chơi trốn tìm nhưng trải nghiệm còn đi kèm mini-game nín thở rất đáng sợ.

Mỗi khi thực hiện sai mini-game là bạn tạo cơ hội cho kẻ thù tiếp cận. Khi đạt số lần thất bại là trải nghiệm kết thúc và đổi sang nhân vật mới đến khi ‘game over’ như đề cập ở trên. Ở góc độ người chơi, Song of Horror sử dụng yếu tố khám phá, giải đố và mini-game để xây dựng bầu không khí căng thẳng và đáng sợ dần chiếm lấy tâm trí của người chơi. Vấn đề ở chỗ, không phải ai cũng hào hứng với các mini-game này vì đòi hỏi bạn phải thao tác rất nhiều, từ bấm nút liên tục cho đến tương tác chính xác khá đau tay và hại tim.

Đánh giá game Song of Horror

Những khoảnh khắc khiến bạn rùng mình còn đến từ ánh đèn pin mà nhân vật soi đường rọi lối, khi mờ tỏ lúc thậm chí có lúc bỗng dưng lăn ra hư chợt khiến vạn vật chìm trong bóng tối. Đó là chưa kể, hiệu ứng ánh sáng và ánh đèn pin còn thi nhau tra tấn tinh thần của người chơi với những cái bóng và hình ảnh dễ khiến bạn liên tưởng đến điều gì đó đáng sợ. Những pha hù bạn rụng tim cũng đến vào những khoảnh khắc mà người chơi ít phòng bị nhất, dễ khiến không khí căng thẳng bao trùm càng tăng trong trải nghiệm Song of Horror.

Thú vị nhất là mỗi episode đều mang thiết kế game tri ân đến một tượng đài kinh dị sinh tồn kinh điển nào đó. Đơn cử như episode 1 lấy nhiều cảm hứng từ Alone in the Dark, trong khi episode 2 rõ ràng mang âm điệu của Silent Hill. Tương tự, episode 3 chịu nhiều ảnh hưởng từ Obscure và episode 4 mang đậm dấu ấn của Amnesia: The Dark Descent. Sở hữu thiết kế phức tạp và mang rất nhiều sắc thái nhất là episode 5, trong đó thậm chí còn có phân đoạn gợi nhớ đến Fatal Frame và bộ phim kinh dị The Ring nổi tiếng của Nhật.

Yếu tố này cũng được thể hiện qua chất liệu hình ảnh có mức độ chi tiết khá cao. Từ những tiểu tiết trang trí trong bối cảnh cho đến hàng loạt cấu trúc màn chơi gợi nhắc đến hai cái tên vô cùng kinh điển của thể loại này: Resident Evil và Alone in the Dark. Đó là chưa kể hơn 50 easter egg được đội ngũ phát triển giấu rải rác trong suốt trải nghiệm Song of Horror, tri ân những tượng đài góp phần không nhỏ hình thành nên những nét đặc trưng của thể loại kinh dị sinh tồn trong suốt gần ba thập niên qua.

Đáng chú ý, Song of Horror đi kèm với bốn thiết lập độ khó khác nhau, mang tên của những nhà văn nổi tiếng về đề tài kinh dị không hề xa lạ: ETA Hoffman, MR James, Edgar Allan Poe và HP Lovecraft. Những người chơi vốn là “tín đồ” nghiện cảm giác mạnh và kinh dị chắc không thể không biết đến hai cái tên Edgar Allan Poe và Howard Phillips Lovecraft. Di sản mà cả hai để lại không chỉ gồm rất nhiều tác phẩm kinh dị được xây dựng thành cả vũ trụ riêng, mà còn là cảm hứng thiết kế của không ít nhà làm phim và trò chơi điện tử.

Tất nhiên, Song of Horror cũng không hoàn hảo nhưng những điểm trừ của nó chủ yếu đến từ định hướng thiết kế ‘old-school’ hơn. Đầu tiên là cơ chế điều khiển vụng về như những game Resident Evil kinh điển ngày xưa. Đi kèm với đó là góc nhìn camera đôi khi kém duyên một cách cố ý để hạn chế tầm nhìn của người chơi, tạo nên cảm giác căng thẳng khi điều khiển nhân vật di chuyển giữa các hành lang hay gian phòng khuất góc nhìn. Đặc biệt, nhiều yếu tố tương tác không cần thiết cũng là điểm trừ của trò chơi.

Đánh giá game Song of Horror

Sau cuối, Song of Horror mang đến một trải nghiệm kinh dị sinh tồn khá rùng rợn với không khí căng thẳng đặc trưng và không dành cho những người dễ bị giật mình. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là hàng loạt cơ chế gameplay gợi nhớ đến những cái tên kinh điển của dòng game kinh dị sinh tồn, nhưng cái kết có thể để lại ý kiến trái chiều từ phía người chơi. Dù vậy, đây kỳ thực là cái tên không thể bỏ qua nếu bạn yêu thích thể loại game vốn chỉ dành cho những ai có tinh thần thép này.

Song of Horror hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Xbox One.

Song of Horror ($39.99, Microsoft Store) →

SONG OF HORROR COMPLETE EDITION ($ 29.99, Steam) →

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox One.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги