Đánh giá game Legend of Mana
Legend of Mana mà tôi đề cập là bản remaster của JRPG kinh điển cùng tên ra mắt lần đầu vào năm 1999 trên PlayStation. Đây là phần chơi thứ tư trong series Mana, nối tiếp sau “siêu phẩm” JRPG kinh điển Seiken Densetsu 3 từ thời SNES với nhiều cơ chế gameplay độc đáo. Đáng chú ý nhất là hệ thống Land Make, cho phép người chơi tự do phân chia khu vực kiến thiết thế giới Fa’Diel và hệ thống nhiệm vụ phi tuyến tính. Đó là chưa kể đến hệ thống chiến đấu theo thời gian thật đặc trưng của series này.
Ở thời điểm ra mắt ban đầu, series Mana hay Seiken Densetsu gây tiếng vang nhờ vào cơ chế gameplay khác biệt và mang đến trải nghiệm rất hấp dẫn. Series này giống như thử nghiệm riêng của Squaresoft (nay là Square Enix) ở thời điểm ra mắt ban đầu. Mặc dù từng được xem là dòng game ngoại truyện của series Final Fantasy, nhưng các cơ chế gameplay “điều kỳ diệu cuối cùng” được loại bỏ và thay đổi từ phần chơi thứ hai là Secret of Mana. Chẳng hạn hệ thống chiến đấu hành động chặt chém thời gian thật thay cho theo lượt.
Gọi là bản remaster nhưng yếu tố nghe nhìn của Legend of Mana khá ấn tượng. Đồ họa vẽ tay của trò chơi sử dụng những cảnh nền dựng sẵn (pre-render) khiến người viết khá ấn tượng về mức độ chi tiết. Xét về chất lượng hình ảnh, không thể phủ nhận game đại tu tốt hơn Final Fantasy VIII Remastered rất nhiều. Từ thị trấn rộng lớn đến rừng rậm xanh tươi đều ngập tràn màu sắc và vô cùng sắc nét. Ngược lại, nhân vật trong bản remaster vẫn giữ nguyên tạo hình điểm ảnh, cứ như cái gai chọc vào mắt người chơi.
Định hướng remaster hình ảnh nói trên để lại cho người viết cảm giác khá lẫn lộn. Tôi vừa muốn chất lượng hình ảnh đồng nhất ở khía cạnh nhìn giúp Legend of Mana đẹp hơn trong trải nghiệm, nhưng cũng có phần muốn trò chơi vẫn giữ lại chút cảm giác hoài cổ thông qua những hình ảnh pixel nói trên. Đó là một cảm giác khá khó chịu. Tương tự, khía cạnh nghe cũng được đại tu khá toàn diện. Người chơi có thể lựa chọn giữa nhạc của game nguyên bản và được hòa âm phối khí lại, mang âm hưởng cổ tích rất phù hợp trải nghiệm game.
Legend of Mana mở đầu với việc lựa chọn giới tính nhân vật và vũ khí. Nhân vật của người chơi vô danh, được giao nhiệm vụ kiến thiết Fa’Diel để rồi khám phá chính cái thế giới mà bạn kiến tạo ra đó. Do sở hữu thiết kế phi tuyến tính, trải nghiệm game mang đến cảm giác rất khác biệt so với số đông cùng thể loại trên thị trường hiện nay. Về cơ bản, cuộc phiêu lưu của bạn giống như tuyển tập những câu chuyện cổ tích được kết nối trong cùng thế giới thông qua nhiều chủ đề khác nhau. Đó không phải là nét độc đáo duy nhất.
Lối chơi của Legend of Mana cũng vậy. Vòng lặp gameplay chủ yếu xoay quanh việc gắn các địa danh (Land) lên bản đồ thế giới. Địa danh này có thể là thị trấn, hầm ngục hay bất cứ địa điểm gì cho mục đích khám phá. Từ đó, nhân vật chính có thể tiếp cận và tương tác với các NPC hay chiến đấu với kẻ thù. Mỗi địa danh đều có ít nhất một nhiệm vụ mà bạn phải thực hiện. Đa phần các nhiệm vụ này thưởng cho bạn Artifact để gắn địa danh mới và trải nghiệm cứ thế lặp lại. Vấn đề ở chỗ, trò chơi gần như không có bất kỳ chỉ dẫn nào.
Ngoài một số nhiệm vụ còn định hướng bạn cần làm gì, phần lớn trải nghiệm game đều không khác gì đánh đố người chơi, thậm chí còn hơn cả SaGa Frontier Remastered. Đây là thiết kế quen thuộc của hầu như tất cả JRPG từ thời PlayStation. Ở góc độ người chơi, trải nghiệm game đòi hỏi bạn phải thử sai nhiều lần đến khi tìm được NPC đúng để kích hoạt câu chuyện kể tiếp diễn. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn từ phía người chơi. Dù vậy, không thể phủ nhận nó khá phù hợp với trải nghiệm đặc trưng của Legend of Mana nói riêng.
Do mang thiết kế phi tuyến tính, Legend of Mana khuyến khích bạn tự khám phá thế giới để hoàn thành nhiệm vụ. Thế nhưng, việc không có chút manh mối nào về những gì phải làm để thúc đẩy cốt truyện diễn ra là thử thách không hề nhỏ, đặc biệt với những ai lần đầu đến với series Mana thông qua tựa game này. Đây cũng là vấn đề mà bản remaster 3D của Secret of Mana từng khiến tôi không ít lần cảm thấy ức chế. Bản làm lại của Senkei Densetsu 3 giải quyết khá tốt vấn đề này trong khi không nhất thiết có tính cầm tay chỉ việc.
Tuy nhiên, đây không phải vấn đề duy nhất của Legend of Mana. Do thiết kế đặc trưng nói trên, bạn khó lòng tránh khỏi việc bỏ lỡ tương tác hay tình tiết nào đó trong lần đầu trải nghiệm, dẫn đến việc phải chơi lại nhiều lần thông qua New Game+ gần như là bắt buộc. Ngay cả khi bạn không quan tâm đến điều này, trải nghiệm game cũng có rất nhiều lựa chọn lời thoại chuyển hướng đến nhánh rẽ tình tiết khác. Đây cũng là lý do khiến game có thể khá kén người chơi, nhất là những ai không theo chủ nghĩa hoàn hảo.
Hệ thống chiến đấu trong Legend of Mana mang nhiều nét tương đồng với các phần chơi khác trong series Mana. Nhân vật của người chơi tấn công bằng hai nút bấm tương ứng đánh nhanh và đánh mạnh. Bạn có thể gán cho nhân vật tối đa hai kỹ năng và bốn tuyệt kỹ. Vấn đề lớn nhất của hệ thống chiến đấu là trong khi nhân vật và kẻ thù có thể di chuyển theo bốn hướng đông tây nam bắc, cả ta và địch chỉ có thể tấn công bên trái và phải. Phần lớn kẻ thù chỉ dính vài đòn là bị tiêu diệt nhưng boss lại là câu chuyện khác.
Các trận đánh boss khá hào hứng, nhưng chỉ quanh quẩn vài con quái vật khổng lồ được tái sử dụng hết lần này đến lần khác. Đáng chú ý, kẻ thù luôn ‘respawn’ mỗi khi bạn rời khỏi khung cảnh. Kỳ thực, điều này gây khó chịu khi hang động trong trải nghiệm game thường khó điều hướng và buộc người chơi phải quay đi quay về thường xuyên. Bản remaster giải quyết vấn đề này bằng tính năng đáng chào đón là cho phép vô hiệu hóa các trận chiến không liên quan đến câu chuyện kể, giúp trải nghiệm đỡ ức chế hơn nguyên bản.
Ngoài ra, Legend of Mana còn hỗ trợ co-op 2 người trong chiến đấu nhưng tôi thấy nó không thiết thực lắm. Khía cạnh này chỉ dừng ở co-op local, trong khi việc tìm và rước bạn về nhà để chơi cùng không mấy khả thi giữa tình hình giãn cách xã hội hiện nay. Co-op chỉ phát huy tốt nhất khi trải nghiệm phiên bản Switch vì tính đặc thù của hệ máy này. Một tính năng không thể không đề cập đến là mini-game Ring Ring Land trước đây chỉ dành cho phụ kiện PocketStation của PlayStation cũng được tích hợp trong bản remaster này.
Sau cuối, Legend of Mana mang đến một trải nghiệm nhập vai khá hào hứng nhưng kén người chơi vì thiết kế đặc trưng. Trò chơi tuy có ý tưởng sáng tạo, nhưng một số định hướng thiết kế đơn giản và có phần thiếu tinh tế của ngày xưa dễ dàng trở thành chướng ngại vật với không ít người chơi mới. Dù vậy, đây vẫn là cái tên cực kỳ đáng cân nhắc nếu bạn là mẫu người chơi yêu thích cảm giác thử nghiệm và khám phá, đặc biệt là những ai yêu thích series Mana càng không thể bỏ qua tựa game này.
Legend of Mana hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4 và Nintendo Switch.
Legend of Mana ($ 29.99, Steam) →
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Đăng nhận xét