Đánh giá game King of Seas

King of Seas là game phiêu lưu nhập vai sandbox với yếu tố roguelike và lấy đề tài hải tặc làm chủ đạo. Trải nghiệm game đưa người chơi nhập vai người con của vị vua quá cố. Sau chuyến giao thương đầu tiên, nhân vật chính rơi vào vòng xoáy của những âm mưu chính trị và số phận đưa đẩy trở thành cướp biển. Câu chuyện được kể lại thông qua lời thoại giữa các nhân vật và hình tĩnh trong trải nghiệm, đưa người chơi trải qua những trận hải chiến đầy hào hứng nhất là cảm giác ngắm tàu của đối thủ chìm xuống biển sâu.

Khác với những cái tên hiếm hoi cùng khai thác đề tài cướp biển như Assassin’s Creed: Black Flag hay Sea of Thieves, nhà phát triển 3DClouds chọn góc nhìn top-down và phong cách đồ họa đơn giản cho King of Seas trong thiết kế môi trường. Đây cũng là đội ngũ dày dạn kinh nghiệm sau những lần thử sức với thể loại đua xe trong All-Star Fruit RacingXenon Racer trước đó. Ngược lại, trò chơi sở hữu thiết kế các nhân vật khá lạ mắt dù chỉ là hình đại diện, tưởng không hợp ai ngờ hợp không tưởng trong trải nghiệm game.

King of Seas lấy bối cảnh hải tặc thống trị thất đại hải và phép thuật voodoo được sử dụng như cơm bữa. Chỉ đến khi lực lượng hải quân đánh đuổi cướp biển ra khỏi bảy biển và dựng nên vương quốc, nhưng vẫn tiếp tục ngăn chặn mối đe dọa từ chúng khiến nghệ thuật hắc ám cũng dần thất truyền khỏi thế giới. Nhiều thế kỷ sau, tội ác trỗi dậy khi quốc vương đương nhiệm bị ám sát bởi lời nguyền avada kedavra, trở thành mưu đồ của ai đó khi đổ tội ác đó cho con của đức vua. Vậy là cuộc phiêu lưu rửa sạch thanh danh bắt đầu.

Đánh giá game King of Seas

Về cơ bản, trải nghiệm King of Seas xoay quanh vận hành và nâng cấp con tàu của bạn, mở đầu cho cuộc sống hải tặc ngoài mong muốn. Ban đầu, nó chỉ là con tàu tí nị với cái tên mỹ miều Sloop, chỉ có ba khẩu đại bác để phòng thân và dễ bị đánh chìm với khả năng rất hạn chế. Tùy vào hướng tiếp cận các nhiệm vụ chính của người chơi mà cốt truyện và thế giới được mở rộng. Trải nghiệm game chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu và điều khiển con tàu di chuyển, chiến đấu và nâng cấp từ vùng biển này sang vùng biển khác.

Mỗi con tàu đều có khả năng khác nhau, nhưng cơ chế điều khiển và chiến đấu thì giống nhau thông qua dàn nút cò và vai trên tay cầm. Đơn cử như Nintendo Switch, hai nút cò dùng để bắn đại bác tương ứng mạn phải và trái của tàu, trong khi R và L điều khiển giương hoặc hạ buồm để tăng và giảm tốc độ tàu. Đáng chú ý, tuy mô tả có phần đơn giản nhưng cơ chế điều khiển nói trên giúp bạn thao tác khá thuận tiện trong chiến đấu, nhất là những khoảnh khắc giảm tốc độ lúc vào khúc cua gấp và lập tức tăng tốc ngay sau đó để đổi hướng.

Kỳ thực, những hành động tưởng chừng đơn giản nói trên giúp trải nghiệm chiến đấu trở nên khá hào hứng, đặc biệt khi bạn phải định hướng di chuyển của tàu để khai hỏa đại bác vào kẻ thù khi hải chiến. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng các phép thuật được xây dựng khá hài hước trong trải nghiệm, từ gọi cá mập cho đến bắn pháo hoa để tấn công tàu địch, mang đến những khoảnh khắc trải nghiệm game rất vui vẻ. Mỗi tàu đều có những loại phép thuật mang tính đặc trưng, đơn cử như Sloop có “chiêu” gọi quái vật biển quật chìm tàu kẻ thù.

Mỗi con tàu đều có ba chỉ số sinh tồn: buồm, vỏ tàu và thủy thủ đoàn. Mỗi chỉ số gây ảnh hưởng đến khía cạnh nào đó của con tàu khi bị trúng đạn. Chẳng hạn trúng ở cánh buồm khiến bạn không thể tăng tốc độ di chuyển, trong khi vỏ tàu bị tổn thương nặng nề tiềm ẩn khả năng trở thành tân thảm họa Titanic. Nguy hiểm nhất là khi thủy thủ đoàn trúng đạn, việc điều khiển và vận hành con tàu trở nên khó khăn và ức chế hơn. Nó trải dài từ không bắn được đại bác khi cần cho đến khả năng lái tàu trở nên kém hơn thấy rõ.

Đánh giá game King of Seas

Vấn đề ở chỗ, sát thương cho mỗi loại chỉ số đòi hỏi người chơi chuyển đổi qua lại giữa ba loại đạn. Ở góc độ người chơi, yếu tố này mang đến tính chiến lược hấp dẫn trong những trận hải chiến, nhưng dễ bị bỏ sót trong trải nghiệm nếu bạn quên điều rất đơn giản là đổi đạn tương ứng. Không hiếm lần tôi quá mải mê “vờn mồi” với kẻ thù mà quên mất làm chuyện ấy, vô tình làm mất đi tính chiến thuật trong những trận hải chiến King of Seas. Trải nghiệm không ít lần trở nên khá ức chế trong những tình huống đó không mong muốn đó.

Có hải chiến tất nhiên phải có nâng cấp tàu. Trong King of Seas, bạn có thể tìm thấy những nâng cấp này bằng nhiều cách khác nhau. Đó có thể là vớ được thùng đồ trôi lênh đênh trên dòng nước, tìm được chiến lợi phẩm từ những con tàu đắm giữa biển hay trên kho báu trên bãi biển và hoàn thành nhiệm vụ. Người chơi cũng có thể mua ở chợ tại cảng thông qua giao thương vận chuyển hàng hóa mua rẻ bán đắt giữa các chuyến đi. Kỳ thực, cơ chế chiến đấu và điều khiển tàu đơn giản giúp trải nghiệm game rất dễ tiếp cận.

Thế nhưng, đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về. Lối chơi của King of Seas không phù hợp trải nghiệm kéo dài. Bạn có thể hào hứng với vài tiếng đầu trải nghiệm nhưng khi dành thời gian lâu hơn cho game, mọi thứ dần trở nên nhàm chán vì đòi hỏi cày cuốc rất nhiều. Đó là chưa kể trò chơi không có hệ thống dịch chuyển nhanh, khiến việc di chuyển giữa các địa điểm làm nhiệm vụ rất mệt mỏi. Điều này đặc biệt đúng mỗi khi bạn thiệt mạng, tàu lại được tái sinh từ cảng biển quen thuộc và thường khá xa nơi làm nhiệm vụ.

Đây dường như là thiết kế chủ ý của nhà phát triển. Cụ thể, tôi từng gặp khó khăn ở gần đầu trải nghiệm khi kẻ thù trong một nhiệm vụ chính vượt cấp con tàu của tôi khá nhiều, chẳng khác nào buộc bạn phải cày cuốc để ngang cơ với đối thủ nếu muốn tiếp tục trải nghiệm. Vấn đề ở chỗ, ngay cả khi cố gắng cày cấp cho tàu thông qua các nhiệm vụ phụ, tôi vẫn không tránh khỏi gặp phải kẻ thù vượt cấp nói trên. Tình huống trải nghiệm khiến người viết phải tự vấn bản thân liệu có mắc sai sót ở thời điểm nào mà dẫn đến kết cục này?

Đánh giá game King of Seas

Ở góc độ người chơi, tôi không đánh giá cao các game tăng thử thách bằng kẻ thù vượt cấp người chơi. Thế nhưng, King of Seas chính xác mang đến trải nghiệm như thế. Thậm chí ngay cả thiết lập độ khó Normal, trải nghiệm cũng nhanh chóng trở nên kém thân thiện với người chơi sau vài tiếng trải nghiệm ban đầu. Đáng nói, một số cơ chế gameplay cũng không được nhà phát triển chú trọng hướng dẫn, khiến bạn có thể phí không ít thời gian trước khi biết cách tăng cường khả năng chiến đấu của con tàu của mình trong trải nghiệm game.

Một điểm trừ nhỏ mà tôi cũng không thể không nhắc đến là bản đồ. King of Seas không có hệ thống chỉ đường mà buộc người chơi phải thường xuyên mở bản đồ ra để kiểm tra bạn có đang đi đúng hướng đến địa điểm làm nhiệm vụ hay không. Nó khá phiền nhất khi phải di chuyển qua lại giữa những quãng đường khá xa. Có lẽ ý đồ của nhà phát triển là để người chơi lênh đênh trên biển bằng la bàn như những tên hải tặc thật sự. Thế nhưng, tôi không tìm được lý do nào để biện hộ cho điều đó từ thiết kế giao diện của trò chơi.

Không những vậy, cốt truyện của King of Seas mở đầu rất hấp dẫn, nhưng không duy trì được điều này trong trải nghiệm về sau. Nó cũng tương tự như trải nghiệm game vậy. Ban đầu rất hào hứng nhưng cảm giác này nhanh chóng mất đi sau thời gian trải nghiệm kéo dài. Trò chơi chỉ giữ được “nhiệt” nếu bạn dành những khung giờ ngắn để trải nghiệm rồi nghỉ và cứ thế lặp lại hơn là chơi liền tù tì nhiều tiếng liền. Đây là điều khá đáng tiếc khi game có ý tưởng tốt ở nhiều khía cạnh, nhưng không giữ được cảm giác hào hứng đủ lâu.

Một vấn đề cũng không thể không đề cập đến là hiệu năng, cụ thể là phiên bản Nintendo Switch mà tôi trải nghiệm. King of Seas thường bị giật hình khoảng nửa giây với nhịp độ đều đặn sau mỗi quãng hải trình ngắn. Tôi nghĩ đây là thời điểm trò chơi tải dữ liệu nên không xem là điểm trừ lớn, nhưng nó xảy ra quá thường xuyên, khiến không ít lần người viết cũng cảm thấy khó chịu. Đặc biệt, trò chơi có sự sụt giảm tốc độ khung hình thấy rõ khi có hơn hai tàu cùng lao vào trận hải chiến với nhau, nhất là ở chế độ handheld.

Đánh giá King of Seas

Sau cuối, King of Seas mang đến trải nghiệm phiêu lưu nhập vai khá hào hứng, nhưng dễ để lại cảm giác trái chiều tùy vào sự khó tính của người chơi. Nếu bạn không ngại trải nghiệm đòi hỏi tính cày cuốc cao và thường không chơi liên tục nhiều tiếng liền, đây kỳ thực là cái tên rất đáng cân nhắc và ngược lại.

King of Seas hiện có cho PC (Windows), PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.

Nintendo eShop

King of Seas ($24.99, Microsoft Store) →

King of Seas ($ 24.99, Steam) →

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Nintendo Switch.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги