Trải nghiệm game Diablo II: Resurrected

Diablo II: Resurrected là bản remaster của phần chơi thứ hai trong series game nhập vai chặt chém Diablo vô cùng kinh điển. Trò chơi vừa có đợt thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên gọi là Technical Alpha với 2 act đầu trong game cùng ba lớp nhân vật: Amazon, Barbarian và Sorceress. Những bạn nào đã chơi bản game gốc vào những năm còn cắp sách đến trường có lẽ nay đã già và thậm chí có con đang học cấp 1 rồi. Mặc dù dòng game này đang phát triển tới phần chơi thứ tư, nhưng với không ít người chơi thì Diablo II vẫn luôn là phần chơi hay nhất.

Đó cũng là lý do mà tôi khá hào hứng với đợt thử nghiệm Technical Alpha của bản remaster. Về cơ bản, những gì mà bạn nhớ và ức chế trong trải nghiệm Diablo II ra mắt năm 2000 vẫn được giữ nguyên. Từ những bản nhạc tuyệt vời mang đến bầu không khí u ám đặc trưng cho đến cảm giác hoài cổ khi thường xuyên va vào các chướng ngại vật trong hầm ngục. Chỉ có điểm khác biệt lớn nhất là đồ họa được đại tu gần như toàn bộ từ sprite 2D sang 3D với hình ảnh và hiệu ứng ánh sáng tuyệt đẹp, trong khi vẫn cố gắng giữ lại phong cách mỹ thuật của tựa game gốc.

Một trong những điểm khiến tôi ấn tượng nhất trong Diablo II: Resurrected là chuyển động nhân vật hoàn toàn mới. Đơn cử như nhân vật Barbarian cao to lực lưỡng trước đây do hạn chế về công nghệ mà có tướng đi giật cục vừa thô vừa buồn cười, nay nhìn mạnh mẽ và chuyển động mượt mà vượt trội trong bản remaster. Đó là chưa kể các hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt tạo nên cái hồn mới cho từng bối cảnh, nhất là ngọn lửa thiêu rụi những ngôi nhà ở Tristram trong trải nghiệm mới nhìn rất thật chứ không hề giả trân như phiên bản gốc của hai thập niên trước.

Trải nghiệm game Diablo II: Resurrected

Kỳ thực, đây là hướng đi không mới mà trước đây Blizzard từng làm với Starcraft Remastered. Không những vậy, họ cũng không phải nhà phát triển duy nhất trên thị trường chọn hướng tiếp cận này trong công tác remaster và hồi sinh những cái tên kinh điển ngày xưa. Sự thành công của những bản remaster như Tony Hawk’s Pro Skater 1 + 2 hay Spyro Reignited Trilogy là minh chứng rõ ràng nhất cho giải pháp gần như “bất bại” này khi đại tu một trò chơi cũ. Tuy nhiên, Diablo II lại là câu chuyện khác khi sở hữu lối hành động nhập vai.

Hai thập niên là một khoảng thời gian dài, nhất là với dòng game hành động nhập vai vốn có rất nhiều thay đổi trong suốt ngần ấy năm. Thế nhưng, Diablo II: Resurrected vẫn giữ nguyên toàn bộ trải nghiệm quen thuộc cũ đúng như những gì bạn vẫn nhớ về tựa game gốc. Chẳng hạn màn chơi vẫn được phát sinh ngẫu nhiên bằng thuật toán, đòi hỏi khả năng tự lực cánh sinh của người chơi trong khám phá và làm nhiệm vụ. Trò chơi chỉ khoác lên người lớp đồ họa mới đẹp rạng ngời cũng như bổ sung một số tinh chỉnh giúp trải nghiệm thuận tiện hơn.

Đáng chú ý, những cập nhật mới này không làm thay đổi cảm giác trải nghiệm quen thuộc cũ, nhưng tạo sự khác biệt trong cách người chơi chiến đấu và tương tác với kẻ thù. Đó là tôi đang nói đến hỗ trợ tay cầm bên cạnh giải pháp sử dụng chuột và bàn phím quen thuộc. Nó không chỉ đơn thuần cắm tay cầm vào rồi chơi. Thay vì vậy, sử dụng điều khiển thiết bị này làm thay đổi hoàn toàn giao diện game, từ tương tác và tấn công kẻ thù cho tới cách mà bạn sử dụng phép thuật. Đặc biệt là tính năng sắp xếp lại hành trang rất hữu ích khi chơi bằng tay cầm.

Tính năng này thuận tiện tới nỗi tôi chỉ mong sao Blizzard nghĩ lại, bổ sung nó vào trải nghiệm bằng chuột và bàn phím thay vì chỉ dành riêng cho người chơi tay cầm. Kỳ thực, nhà phát triển bổ sung nhiều tính năng khác giúp cải thiện trải nghiệm khi chơi bằng tay cầm, chẳng hạn hiển thị thông tin nhiều hơn về phần thưởng nhận được chứ không chỉ các dữ liệu thống kê như thường thấy. Ngoài đồ họa và các tinh chỉnh tối ưu hóa trải nghiệm trên các thiết bị điều khiển khác nhau, mọi thứ còn lại vẫn giống như những gì bạn nhớ về Diablo II.

Trải nghiệm game Diablo II: Resurrected

Diablo II: Resurrected còn cung cấp cho người chơi nhiều tùy chỉnh giao diện game trong Options, đặc biệt là tính năng tự động nhặt vàng có thể kích hoạt hoặc vô hiệu hóa tùy theo mong muốn của bạn. Vấn đề ở chỗ, trải nghiệm game có thể không phù hợp số đông hay đối tượng người chơi mới khi giữ nguyên nhiều hạn chế gameplay đến mức gây ức chế của game gốc. Đơn cử như hành trang nhỏ nên không thể chứa nhiều đồ, trong khi một món vũ khí lớn đã chiếm 1/5 số ô trống. Chưa kể ngoài chìa khóa, game cũng không có tính năng cộng dồn vật phẩm giống nhau.

Chỉ tính số lượng Scroll of Identify mà bạn phải mang theo để xác định thuộc tính ẩn của vũ khí đã chiếm không ít chỗ, cộng thêm các loại bình dược khác nhau để hồi máu, mana và ném vào kẻ thù thì gần như không có chỗ để chứa thêm đồ. Chính vì thế mà việc phải chạy đi chạy về thanh lý trang bị khiến nhịp độ chơi lộn xộn rất khó chịu. Đó là tôi còn chưa nói đến hệ thống thể lực (energy) hoàn toàn vô dụng, không có mục đích gì ngoài việc làm chậm nhịp độ game ở đầu trải nghiệm, chẳng khác nào đổ dầu vào lửa cho sự kiên nhẫn của bạn.

Ở góc độ người chơi, trải nghiệm Diablo II: Resurrected sao y bản chính game gốc khiến nó trở nên thử thách hơn nhiều so với Diablo III được phát hành sau. Bù lại, các trận chiến và cộng điểm chỉ số cho mỗi lớp nhân vật cũng vì thế mà kịch tính và không kém phần hấp dẫn hơn so với hậu bản của trò chơi. Chẳng hạn, bạn có thể để dành điểm kỹ năng và cộng dồn một lượt vào kỹ năng mới khi đạt được cấp độ yêu cầu để tạo ra nhân vật mạnh hơn trong nửa sau trải nghiệm. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng mang tính rủi ro khiến trải nghiệm thử thách hơn.

Trải nghiệm game Diablo II: Resurrected

Tóm lại, Diablo II: Resurrected mang đến một trải nghiệm hành động nhập vai khá tiềm năng. Điểm cộng lớn nhất của trò chơi là chất lượng đồ họa được đại tu đẹp mắt, đồng thời cho phép người chơi chuyển đổi qua lại giữa đồ họa cũ và mới bất kỳ lúc nào chỉ bằng một nút bấm. Thú vị hơn hết, trò chơi bổ sung một số tính năng giúp trải nghiệm thuận tiện hơn, trong khi vẫn giữ nguyên cảm giác quen thuộc của Diablo II kinh điển về lối chơi. Nếu bạn là ‘fan cứng’ của game gốc từ hai thập niên trước, đây chắc chắn là cái tên rất đáng mong đợi.

Diablo II: Resurrected dự kiến phát hành trong năm 2021 cho PC, PlayStation 5, Xbox Series X|S, PlayStation 4, Xbox One và Nintendo Switch.

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги