Đánh giá game Bravely Default II

Bravely Default II là phần chơi thứ ba trong series JRPG Bravely nổi lên từ thời Nintendo 3DS. Trò chơi mang nhiều hơi thở của những cái tên Final Fantasy kinh điển ngày xưa khi sở hữu lối chơi chiến đấu theo lượt và hệ thống chức nghiệp quen thuộc, kết hợp cùng hệ thống chiến đấu đặc trưng đã tạo nên sự khác biệt cho hai tựa game Bravely Default và Bravely Second: End Layer trước đây. Tuy nhiên, phần chơi này xây dựng câu chuyện với thế giới hoàn toàn mới và độc lập về mặt nội dung, tương tự như những tựa game trong series Final Fantasy.

Chính vì vậy mà bạn không nhất thiết phải trải nghiệm các phần chơi trước trong series Bravely để dấn thân vào cuộc hành trình mới. Bravely Default II lấy bối cảnh tại lục địa Excillant và câu chuyện xoay quanh bốn mảnh pha lê nguyên tố. Trải nghiệm game đưa bạn theo chân bốn nhân vật chính: chàng thủy thủ Seth đắm tàu bị mất trí nhớ, công chúa Gloria xứ Musa, anh học giả Elvis và nhân vật nữ Adelle. Tuy cốt truyện nhuốm màu sắc Final Fantasy khi đề cập đến các ‘Hero of Light’, nhưng trò chơi có câu chuyện kể khá tăm tối với diễn biến khá từ tốn.

Nếu bạn yêu thích các JRPG vì câu chuyện kể hấp dẫn, Bravely Default II có thể để lại chút cảm giác thất vọng. Mặc dù xây dựng bối cảnh hoàn toàn mới với các tựa game tiền nhiệm, phần chơi này vẫn kể câu chuyện tương tự về cuộc chiến giành lại những mảnh pha lê nguyên tố. Không những vậy, nội dung ban đầu sở hữu các tình tiết quá quen thuộc đến mức dễ để lại cảm giác trái chiều. Chỉ đến nửa sau trải nghiệm khi người chơi điều tra được ai mới là kẻ chủ mưu đằng sau mọi thứ, nội dung mới dần trở nên hấp dẫn và kịch tính hơn.

Khía cạnh xây dựng nhân vật cũng vậy. Bravely Default II được chấp bút khá tốt, nhưng không phải nhân vật nào cũng để lại nhiều cảm xúc cho người chơi. Hai nhân vật Seth và Gloria ít để lại dấu ấn cho tôi nhất, trong khi câu chuyện về Elvis và Adelle khiến tôi hào hứng hơn. Điều này còn được lồng ghép trong một số phân đoạn tùy chọn gọi là ‘Party Chat’. Đó là những đoạn hội thoại ngắn khi các thành viên trong party chia sẻ cảm nhận ở những cột mốc sự kiện nhất định. Nếu muốn, bạn có thể theo dõi để hiểu thêm về nhân vật hoặc bỏ qua không tương tác.

Đánh giá game Bravely Default II

Hệ thống nhiệm vụ cũng vậy. Bravely Default II chia trải nghiệm thành nhiều chapter diễn ra ở các vương quốc khác nhau cộng với các tuyến nội dung phụ. Nếu so sánh với Octopath Traveler thì không quy mô bằng nhưng cốt truyện liền mạch hơn. Có những nhiệm vụ phụ giúp người chơi hiểu thêm về cảm nhận của một nhân vật nào đó trong party, tập trung về lai lịch hoặc các mối quan hệ của nhân vật đó khá thú vị. Vấn đề ở chỗ tuy số lượng nhiệm vụ phụ khá nhiều, nhưng phần lớn phần thưởng nhận được không tương xứng với thời gian bỏ ra.

Ở góc độ người chơi, những nhiệm vụ phụ này tạo cảm giác như chỉ để kéo dài thời gian trải nghiệm là chính. Đơn cử như ở thị trấn đầu tiên Halcyonia là những nhiệm vụ đòi hỏi bạn phải chạy đi chạy về ở những địa điểm giống hệt nhau chỉ để lấy và đưa đồ cho NPC. Mặc dù không phải nhiệm vụ phụ nào cũng nhàm chán như thế, nhưng phần lớn đều mang cảm giác câu giờ hơn là giúp người chơi hiểu thêm về Excillant hay mở rộng tình tiết cho câu chuyện kể của trải nghiệm game. Có lẽ vì chúng là nhiệm vụ phụ nên khía cạnh này không được đầu tư và chăm chút.

Dù có phần đơn giản nhưng đồ họa của Bravely Default II vay mượn thiết kế dễ thương và quen thuộc từ các phần chơi trước trên Nintendo 3DS. Cảm giác này còn được nhân đôi khi bạn nhìn các nhân vật chiến đấu. Tuy nhiên, tạo hình các nhân vật lại có phần hơi trái ngược với thiết kế thị trấn trong trải nghiệm với các khung cảnh như được họa bằng màu nước khá ấn tượng. Những hình ảnh này còn được tôn nét đẹp lên bội phần với tính năng Panoramic View, cho phép người chơi nhìn toàn cảnh thị trấn như đang xem bức tranh vẽ tuyệt đẹp.

Nhạc và lồng tiếng cũng là điểm cộng của Bravely Default II. Trong suốt trải nghiệm, tôi nghe được không ít đoạn beat gợi nhớ đến những tựa game Final Fantasy kinh điển ngày xưa. Khâu lồng tiếng cũng vậy. Đội ngũ lồng tiếng thật sự thổi hồn cho các nhân vật trong từng lời thoại. Tuy nhiên, cũng giống như phần lớn những JRPG khác trên thị trường, phần lồng tiếng Nhật để lại nhiều cảm xúc hơn đặc biệt khi chiến đấu. Nghe các nhân vật nói hỗn loạn trong trận chiến khiến tôi khó chịu và chuyển về phần lồng tiếng Nhật cho toàn bộ trải nghiệm về sau.

Đánh giá game Bravely Default II

Thế nhưng, điểm trừ lớn nhất của Bravely Default II lại nằm ở độ khó khá cao của trò chơi. Điều này đặc biệt trở nên ức chế ở nhiều tiếng trải nghiệm ban đầu, thời điểm mà người chơi chưa có nhiều lựa chọn chức nghiệp và còn mải làm quen các chiến thuật khác nhau với số lớp nhân vật khá ít ỏi. Chưa nói đến boss, những trận đánh với kẻ thù thông thường ở thời điểm này cũng khá chật vật. Nếu bạn không biết cách tận dụng điểm yếu của kẻ thù, một trận chiến bình thường có thể diễn ra khá lâu ngay cả khi bật tính năng tăng tốc trận chiến lên thời gian tốc đa.

Đây là tính năng không quá lạ lẫm mà phần lớn những JRPG kinh điển được remaster gần đây như Final Fantasy VIII Remastered đều có. Nó giúp “tua nhanh” thời gian chiến đấu lề mề thường thấy trong thiết kế những JRPG kinh điển ngày xưa. Boss lại là câu chuyện khác khi luôn đòi hỏi bạn phải tìm được chiến thuật hợp lý nhất. Điều này đôi khi đồng nghĩa người chơi phải thay đổi hoặc không sử dụng một lớp nhân vật nhất định để tránh gây họa không thể cứu vãn cho cả party. Đó là chưa kể thiết lập độ khó Casual cũng không phải như bạn nghĩ.

Trong phần lớn những JRPG khác, chế độ này thường khiến party của bạn mạnh hơn bằng cách giảm sát thương do kẻ thù gây ra. Nhờ vậy mà người chơi không nặng nề cảm giác cày cuốc hoặc gặp trở ngại với chiến đấu trong phần lớn trải nghiệm. Thế nhưng, Casual của Brave Default II chỉ đơn thuần là giảm số lượng hành động của kẻ thù trong mỗi lượt. Điều này giúp bạn có cơ hội chiến thắng nhiều hơn mà không phải cày cấp cật lực cho nhân vật như thiết lập Normal, tuyệt nhiên không phải mang đến trải nghiệm casual như tôi hình dung ban đầu.

Điều thú vị là hệ thống chiến đấu cũng là một trong những điểm cộng của Bravely Default II và nó không có nhiều thay đổi so với các phần chơi cũ trong series này. Điểm khác biệt tạo dấu ấn riêng vẫn nằm ở Brave và Default. Về cơ bản, nhân vật chỉ có thể ra tay hành động bằng cách sử dụng Brave Point (BP). Chỉ số này tăng khi bạn kích hoạt Default đưa nhân vật về trạng thái phòng thủ. Ngược lại, Brave cho phép nhân vật không chỉ dùng hết BP hiện có mà còn có thể mượn thêm Brave Point từ các lượt chơi trong tương lai, thậm chí dẫn đến bị âm BP.

Đánh giá game Bravely Default II

Có vay thì phải có trả nhưng vấn đề ở đây là các nhân vật chỉ được hồi 1 BP trong mỗi lượt. Nếu không tập trung vào điểm yếu của kẻ thù và có chiến thuật hợp lý, điều này có thể khiến party của bạn dễ dàng trở thành bao cát cho chúng tấn công trong nhiều lượt liên tiếp sau khi mượn Brave Point. Đáng nói, kẻ thù cũng có thể vay mượn BP tương tự như party của người chơi. Thậm chí, boss còn ghê gớm hơn khi đánh đau đã đành mà còn biết tận dụng rất hiệu quả hệ thống nói trên để tiễn party của bạn về màn hình Load Game, nhất là ở thời điểm đầu trải nghiệm.

Kỳ thực, bạn khó lòng hình dung ra độ khó của trò chơi chỉ thông qua những mô tả nói trên, nhưng Bravely Default II là trải nghiệm JRPG khá thử thách và nặng tính cày cuốc. Điều này đặc biệt đúng khi kẻ thù thông thường và boss còn có khả năng phản đòn (counter) trước hành động của nhân vật trong party. Đơn cử như có con boss luôn phản đòn White Mage ngay khi nhân vật sử dụng phép hồi máu. Nó khiến lớp nhân vật này chẳng khác nào bị vô hiệu hóa trong trận chiến, đòi hỏi người chơi phải thay đổi chiến thuật mạo hiểm và rủi ro hơn.

Thú vị hơn, hệ thống lớp nhân vật lại là một điểm cộng khác của Bravely Default II. Thông qua trải nghiệm hay chính xác hơn là các trận đánh boss mà party của người chơi mở khóa đa dạng các chức nghiệp mới. Số lượng nhiều đến mức đủ khiến bạn đau đầu trong chiến đấu. Bên cạnh điểm kinh nghiệm cho từng nhân vật trong party, mỗi nhân vật đều sở hữu hệ thống điểm kinh nghiệm Job Point (JP) độc lập cho lớp nhân vật đó, đồng thời có thể tự do thay đổi chức nghiệp. Mỗi khi thăng cấp, các lớp nhân vật này học thêm kỹ năng mới bên cạnh nhiều kỹ năng phụ khác.

Không những vậy, bạn còn có thể thiết lập chức nghiệp chính và chức nghiệp phụ cho mỗi nhân vật. Thiết kế này trao cho người chơi nhiều cơ hội thử nghiệm các lớp nhân vật khác nhau, tạo nên tính chiến thuật rất cao trong chiến đấu. Thế nhưng, mức độ phức tạp của hệ thống phát triển nhân vật dẫn đến điểm trừ về tính cày cuốc khá cao trong trải nghiệm Bravely Default II. Mặc dù trò chơi có tính năng Exploration để giảm bớt điều này, nhưng yêu cầu khá phiền hà khi bạn phải đưa trò chơi về chế độ Sleep và không được thoát game.

Đánh giá game Bravely Default II

Sau cuối, Bravely Default II mang đến một trải nghiệm JRPG cực kỳ hấp dẫn dù lựa chọn thiết kế khá an toàn. Điểm trừ lớn nhất của trò chơi là tính thử thách và cày cuốc cao. Ngược lại, điểm cộng lớn nhất của game là hệ thống chiến đấu có tính rủi ro và đòi hỏi cao về tính chiến thuật. Đặc biệt, hệ thống phát triển nhân vật vô cùng đa dạng và rất có chiều sâu nhất là trải nghiệm về sau. Trò chơi có tất cả những gì tạo nên một trải nghiệm JRPG kinh điển. Đó cũng là điểm cộng lớn nhất mà tựa game này mang đến.

Bravely Default II hiện chỉ có cho Nintendo Switch.

Nintendo eShop

Bài viết sử dụng game do Square Enix hỗ trợ.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги