Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé!

Bạn ơi, ai mà chẳng muốn mình giàu và sướng thế nhưng Tết nhất quan tâm đến nhau chân thành mới là điều đáng quý. Người ta cảm thán sự giàu có, thành công của bạn nhưng quý trọng hơn vẫn là tấm lòng sẻ chia, động viên nhau cho một năm mới đầy tiếng cười!

01 | Họp lớp

Bên cạnh những buổi họp lớp đầu năm chan hoà tình mến thương thì cũng có những buổi họp lớp nhìn qua thôi đã thấy giống... cái liveshow, mỗi thành viên như một nghệ sĩ lần lượt lên sân khấu biểu diễn các tác phẩm về chính cuộc đời mình với tất cả sự lộng lẫy, hoành tráng, xa hoa và viên mãn.

Một buổi họp lớp như thế thường có quy trình như sau: Các bạn nữ sẽ mặc trang phục đẹp đẽ nhất, ngồi ở đâu cũng phải đặt chiếc túi xịn lên bàn, liên tục vuốt tóc khoe chiếc nhẫn trên tay và câu cửa miệng đó là "khổ quá, tớ đã bảo rồi mà chồng tớ cứ tặng quà/ cứ đưa sang Dubai/ cứ mua cho chiếc ô tô mới".

Cánh nam nhi cũng chẳng kém cạnh. Anh nào có ô tô là y như rằng chìa khoá phải đặt trên bàn kèm thẻ chung cư cao cấp, nói chuyện là phải nói về bất động sản, đầu tư, chứng khoán, thậm chí anh nào có người yêu chân dài đi cùng lại càng thêm phần oai vệ. Tất cả đều cố gắng thể hiện mình đã thật sự đến "vạch đích", tranh nhau nói về lĩnh vực mà mình thông thạo, hỏi han bạn bè nhưng mục đích là để "bắc cầu" sang câu chuyện của chính mình.

Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé! - Ảnh 1.

(Ảnh: Istock)

Những buổi họp lớp như "liveshow" kể trên tuy không nhiều nhưng những người bạn muốn mượn họp lớp để "biểu diễn" thật sự không ít. Bằng cả cách công khai lẫn (giả vờ) tế nhị, các bạn đều cố gắng lấy sự quan tâm của bè bạn là cơ hội để thể hiện cuộc sống hoàn hảo, thậm chí mặc kệ đi sự ái ngại, bối rối của người xung quanh để đánh bóng bản thân, miễn là được trầm trồ và ngưỡng mộ.

Nhưng các bạn à, trầm trồ thì có đó nhưng ngưỡng mộ thì không đâu! Có gì hay đâu khi một cô gái khoe hôn nhân hạnh phúc với một người bạn vừa đổ vỡ gia đình, cũng chẳng có gì buồn cười khi một anh chàng bỉ bôi bạn mình vẫn chạy chiếc xe máy cũ từ thời còn đi học. Thể hiện làm gì khi biết đâu, những người bạn với nhau chỉ muốn biết giờ đây bạn đã phân biệt được Coca và Pepsi chưa, có thể nhẩm nhanh 4 mũ 4 bằng mấy và còn nhớ cô bán hàng rong ngay cổng trường?

Càng lớn, chúng ta càng hiểu rằng điều đáng ngưỡng mộ nhất ở anh bạn từng cùng bàn, cô bạn từng ăn chung cây kem chính là sự trưởng thành, khiêm tốn và hiểu chuyện hơn mỗi ngày. Ừ thì chúng ta có thể xuýt xoa trước sự thành công của nhau đấy, ai mà chẳng thích thành công, nhưng sẽ thấy vui hơn, ấm lòng hơn nếu như tất cả cùng dành cho nhau sự quan tâm, khích lệ chân thành.

Còn nếu không chân thành được mà chỉ muốn biến buổi họp lớp thành dịp để khoe khoang, có lẽ bạn đừng nên đi họp lớp nữa vì dần dần sẽ chẳng còn ai còn muốn nói chuyện bạn cả. Và nếu người ta có bắt chuyện, đó chỉ là để cười bạn "biểu diễn" mà thôi.

Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé! - Ảnh 2.

(Ảnh: UMO)

02 | Họp gia đình

Dăm ngày Tết chỉ họp lớp 1 lần, thế nhưng họp mặt gia đình, gặp gỡ họ hàng, anh em gần xa thì đếm vội thôi cũng phải được chục bữa. Gặp mặt họ hàng tưởng chừng vui lắm đây, cả năm mới có dịp quây quần để hỏi thăm nhau về tình hình làm ăn và sức khoẻ. Cho đến khi một vài nhân vật đam mê khoe mẽ xuất hiện…

Chuyện khoe khoang trong mỗi gia đình lại mỗi khác, nhưng tạm tổng kết có 2 kiểu như sau:

Kiểu thứ nhất là khoe khoang vô tư quá thành vô duyên. Họ là những người hễ cứ gặp gỡ ai là đều kể về sự thành công, hạnh phúc của bản thân với tông giọng không thua kém cái loa phường là mấy. Họ thao thao bất tuyệt từ đầu Dần đến cuối Dậu kể về 24 chuyến du lịch trong vòng 12 tháng vừa qua, kể về cô con gái lớp 1 đứng đầu 6 lớp học thêm, kể về cậu con trai mới lớp 10 đã biết lái ô tô, khí chất khi tổng tài, tiêu tiền như phú nhị đại…

Kiểu thứ hai lại càng gây khó chịu hơn khi chẳng biết có cố tình hay không mà người họ hàng ấy cứ phải dìm người ta xuống cho mình nổi lên, lấy người ta làm nền để mình là nhân vật chính.

Ví dụ có thể kể đến như một bà cô nọ thấy cháu mình được học sinh tiên tiến là mở ngay điện thoại khoe giấy khen của con học lực giỏi, kể lể con mình chăm ngoan, thiên tài, sau này làm rạng danh dòng họ và ai học kém hơn hãy chuẩn bị mà nhờ con mình giúp đỡ.

Như một em gái nào đó nói với chị mình lấy chồng đi chứ 30 là ế rồi, không lấy chồng là hâm, hãy như mình một chồng ba con, được chồng yêu thương mẹ chồng quý mến, cơm ăn ba bữa quần áo mặc cả ngày.

Thậm chí, như một ông chú kia thì vỗ vai động viên anh họ phải chăm chỉ làm ăn đi, năm sau còn mua được ô tô như chiếc xe cũ của mình...

Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé! - Ảnh 3.

(Ảnh: The wall street journal)

Thực chất khoe ra cái tài giỏi, thành công hay đẹp đẽ của bản thân chẳng có gì là sai cả, mình giỏi mà cứ giả vờ học dốt, làm ăn thất bại chắc vui? Tuy nhiên thể hiện ra sao, khoe khoang thế nào cho đúng lúc đúng chỗ, cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi thành viên trong gia đình mới là điều đáng nói.

Tết nhất là dịp để những người thân trong gia đình có dịp ngồi lại chia sẻ với nhau về những buồn vui trong năm cũ, khích lệ và chúc nhau một năm mới may mắn, gặt hái nhiều niềm vui hơn. Tết tuyệt đối không phải là cơ hội để phô trương, khoe mẽ thái quá, càng không phải là lúc lấy người thân của mình ra so sánh.

Chung một gia đình nhưng mỗi người 1 hoàn cảnh và mục tiêu phấn đấu, chớ lấy thước đo của cá nhân để đối chiếu và hả hê với cuộc sống của người thân mình. Một lần khoe mẽ tự đắc có thể khiến bạn lên giọng, nhưng tình cảm và sự tôn trọng từ người thân sẽ lại đi xuống. Hãy gặp gỡ nhau bằng niềm vui chân thành, hỏi han nhau từ sự quan tâm, động viên nhau tiến bộ bằng góp ý thiện chí và đúng mực. Đừng biến ngày Tết của gia đình trở nên lạnh nhạt như với những người dưng, hãy làm cho ngày Tết tràn ngập thân tình để rất nhiều năm sau nữa, chúng ta gặp nhau vẫn chung một niềm vui như lúc bé bỏng.

Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé! - Ảnh 4.

(Ảnh: Pngtree)

03 | Làng trên xóm dưới

Khoe khoang với lớp mát mặt với bạn bè, khoe khoang với gia đình tự hào với họ hàng, còn khoe khoang với bà hàng xóm thì hãnh diện với cả khu phố! Thế cho nên năm hết Tết đến khi những đàn chim én bay rợp trời thì những câu chuyện khoe con, khoe của của bà con láng giềng cũng “bay vèo vèo" khắp lối xóm.

Đầu tiên chính là khoe của. Tết đến nhiều nhà sắm sửa đồ mới, trong cùng 1 xóm, chiếc tivi nhà bà A mua sau chắc chắn phải to hơn chiếc của nhà bà B mua trước; nhà ông C mua xe máy mới dứt khoát là phải lái qua lối nhà ông D; nhất là nhà ông E mua dàn karaoke mới là y như rằng cả xóm đều nghe rõ nhạc.

Nhưng phổ biến nhất vẫn là khoe con cái. Màn khoe con phổ biến nhất của lối xóm chính là khoe con mua nhiều quà Tết, khoe con lương cao thưởng nhiều, khoe con có hiếu, khoe con biết quan tâm, khoe con tâm lý chọn chiếc áo màu đỏ đẹp như 34 chiếc khác đã mua đầy tủ.

Và khổ đau nhất đó chính là khoe con có… người yêu!

“Thằng H. nhà chị chẳng thấy đưa người yêu về ra mắt gì vậy nhỉ. Thằng Q. nhà em mốt là đưa bạn gái về đây này. Gớm chị bảo nó đi chứ 27 rồi không có người yêu thì chết".

“Lạ nhỉ, chẳng thấy thằng H. đưa bạn gái về nhà gì. Hay không khéo nó lãnh cảm với phụ nữ rồi?”.

Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé! - Ảnh 5.

(Ảnh: Shondaland)

Tưởng không cay mà những câu chuyện khoe khoang của làng trên xóm dưới vẫn khiến chúng ta cay không tưởng. Khi không lại bị mẹ dựng dậy đòi dẫn người yêu về ra mắt, chung quy cũng chỉ vì thằng con nhà bà hàng xóm Tết này đưa bạn gái về. Những người hàng xóm rất giỏi xoáy sâu vào tâm lý sốt ruột của cha mẹ chúng ta về một cô/ anh người yêu nào đó, tivi có thể không to bằng nhưng con mình U30 rồi mà có người yêu sau là không thể nào yên tâm được.

Hàng xóm dù gặp nhau thường xuyên nhưng Tết nhất sẽ là dịp để mọi người hỏi han nhau nhiều hơn về gia đình, con cái. Hỏi thì vui, nhưng nhân tiện hỏi để hết lời khoe về những đứa con thành công, hạnh phúc của mình thì chẳng còn vui nhiều. Sẽ không hay lắm khi cứ mải miết kể về đàn con tíu tít về nhà với một người mẹ có con chẳng may mắc kẹt ở công ty do dịch bệnh; lại càng hết vui khi cứ hết lời khoe "cái T., thằng A. nhà cô" biếu quà nhiều với một thanh niên hàng xóm vừa mới mất việc.

Đưa tay đây nào, Tết đừng khoe nữa bạn nhé! - Ảnh 6.

(Ảnh: WebMD blogs)

Tựu trung, ở mối quan hệ nào cũng có có thể khoe khoang cả. Thế nhưng hãy lựa chọn cách thể hiện sao cho khéo léo, hài hoà để người nghe không cảm thấy mệt mỏi mà bản thân cũng giữ được sự tế nhị và có duyên.

Năm hết Tết đến, hãy khoe cho nhau tấm lòng thiện tình và và sự quan tâm chân thành, nồng ấm. Cả một năm đã cố gắng phát triển bản thân, tại sao không thể hiện ra điều đáng tự hào nhất đó chính là sự tế nhị, trưởng thành và biết quan tâm đúng mực?

Tags: Xã Hội

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги