Đánh giá game The Medium

The Medium là game kinh dị tâm lý mang nhiều âm hưởng của series Silent Hill kinh điển ngày xưa. Trò chơi lấy đề tài về tâm linh vốn là nội dung sở trường của nhà phát triển Ba Lan Bloober Team trong rất nhiều trải nghiệm kinh dị tâm lý của họ vài năm gần đây. Tựa game mới nhất của họ cũng không nằm ngoài đề tài này nhưng thay vì xây dựng trải nghiệm game ở góc nhìn thứ nhất như thường thấy, trò chơi chuyển sang góc nhìn thứ ba với một số cơ chế gameplay khá thú vị và khai thác tối đa sức mạnh phần cứng của thế hệ console mới.

Ở góc độ người chơi, The Medium có thể ví như thành tựu kỹ thuật mà đội ngũ Bloober Team đã xây dựng ở khía cạnh hình ảnh và gameplay. Đồ họa đẹp và khá ấn tượng khi hỗ trợ RTX trên các phần cứng PC đủ mạnh và cỗ máy chơi game mạnh nhất của Microsoft hiện nay là điều không cần bàn cãi. Điều này đã được minh chứng trong Observer: System Redux và phần nào giải đáp thắc mắc của tôi trước khi chơi The Medium nhưng chưa đủ thuyết phục. Đâu là lý do thật sự khiến nhà phát triển chọn phát hành trên thế hệ console mới chứ không phải giải pháp giao thoa hai thế hệ?

Đánh giá game The Medium

Câu trả lời chính xác là họ không thể. Có rất ít trải nghiệm kinh dị được đầu tư nhiều trong cơ chế gameplay và khía cạnh hình ảnh, nhưng The Medium là một trong số đó. Trò chơi sở hữu đồ họa rất chi tiết cùng cơ chế dual reality mang dấu ấn riêng, đòi hỏi phần cứng mạnh hơn thế hệ trước rất nhiều mới đủ khả năng dựng hình và giữ tốc độ khung hình ổn định trong suốt trải nghiệm. Ngay cả phần cứng Xbox Series X cũng chỉ có thể trải nghiệm game ở 30fps, trong khi bản PC tuy không khóa tốc độ khung hình nhưng hiệu năng khá đuối ngay cả trên các GPU RTX đắt tiền nhất.

Về cơ bản, dual reality là hiệu ứng chia đôi màn hình khá giống trải nghiệm split-screen thường thấy trong những tựa game đua xe kart hay các game bắn súng. Điểm khác biệt nằm ở những hình ảnh chia đôi được thể hiện trên màn hình. Nếu như các tựa game hỗ trợ split-screen ngày xưa thường chỉ dùng chung một màn chơi với hai nhân vật khác nhau, The Medium lại là hai màn chơi riêng biệt cùng hai nhân vật cũng hoàn toàn khác tạo hình nốt. Yếu tố tương tác trong đó cũng tách biệt giữa hai nhân vật để thể hiện năng lực ngoại cảm của nhân vật chính trong trải nghiệm.

Mỗi khung cảnh đều là hai bối cảnh khác nhau. Từ dựng hình cho tới các hiệu ứng đổ bóng hay ánh sáng đều hoàn toàn riêng biệt. Nói đơn giản là đội ngũ phát triển phải xây dựng hai trải nghiệm game khác nhau trong cùng một khung hình. Đây cũng đồng thời là điểm cộng cho gameplay độc đáo mà trải nghiệm The Medium mang đến. Nó không chỉ tạo cảm giác mới mẻ về mặt hình ảnh, mà còn làm cho trải nghiệm game trở nên căng thẳng hơn rất nhiều khi bạn phải có sự tập trung cao độ và tăng cường khả năng quan sát gấp đôi để tương tác cả hai nhân vật trong mỗi khung hình.

Những tương tác này lại là trải nghiệm rất quen thuộc trong những tựa game kinh dị sinh tồn kinh điển ngày xưa như tìm vật phẩm giải đố mở lối đi. Nếu không thì cũng là chạy trốn khỏi kẻ thù truy đuổi đến tận cùng, chẳng khác gì “ông kẹ” Mr. X trong Resident Evil 2. Người chơi khám phá trong những không gian nhỏ khác nhau có hình ảnh chi tiết đáng kinh ngạc, cảm giác như đang xem và tương tác trong bộ phim kinh dị rùng rợn vậy. Các câu đố ban đầu khá đơn giản, nhưng bạn sẽ nhanh chóng nhận ra cảm giác di chuyển lề mề, vụng về như các game Resident Evil ngày xưa.

Đánh giá The Medium

Trong The Medium, nhân vật chính của câu chuyện là Marianne, một người phụ nữ trẻ có khả năng xuất hồn lìa khỏi xác, thậm chí di chuyển song song hồn và xác đồng thời ở cả linh giới và thực tại. Trò chơi mở đầu với cái chết của một cô gái bí ẩn rồi nhanh chóng “bo cua cho nó gắt” sang cái chết của người cha. Với khả năng ngoại cảm, Marianne không chỉ chuẩn bị chu đáo đám tang cho vị cha nuôi luôn yêu thương, chấp nhận năng lực tâm linh như một phần con người cô mà còn dẫn dắt linh hồn ông về nơi suối vàng. Đây cũng là phần hướng dẫn bạn làm quen các cơ chế gameplay.

Nội dung sau đó xin để dành cho bạn trải nghiệm. Ở góc độ người chơi, tôi có cảm giác câu chuyện mà The Medium muốn kể và thể hiện kém hấp dẫn hơn so với hàng loạt những thông tin và sự kiện mà bạn thu thập được trong trải nghiệm. Dù vậy, không thể phủ nhận tôi khá thích cách dẫn dắt câu chuyện kể của game. Những tình tiết này có chiều sâu hơn về mặt nội dung với nhiều chủ đề phù hợp với người trưởng thành hơn so với độ tuổi của nhân vật chính. Không biết tôi có tính nhầm tuổi của Marianne không, nhưng tạo hình nhân vật này có phần chững chạc hơn độ tuổi của cô.

Trải nghiệm The Medium thường luân chuyển giữa hai thế giới. Khi thì bạn đứng ở thực tại và cũng có lúc lại bước vào linh giới thông qua gương ma thuật. Thế nhưng, hấp dẫn và đáng sợ nhất là khi bạn phân hồn và xác ở cả hai thế giới. Mọi thứ diễn ra ở thế giới này đều có sự tương tác đồng điệu từ cử chỉ cho đến biểu cảm trên khuôn mặt của Marianne. Đơn cử như khi nhân vật linh giới của cô “thủ thỉ thù thì” với linh hồn người đã khuất hoặc quái vật, bạn cũng nhìn thấy Marianne có những hành động tương tự một mình ở thực tại và không có “bạn diễn”. Sợ không?

Sợ và không! The Medium vẫn sở hữu câu chuyện khá đáng sợ theo nghĩa thông thường. Bạn sẽ đụng mặt với con quái vật mang tính biểu tượng của trò chơi, nhưng tạo hình của nó không đáng sợ như tôi hình dung. Thậm chí trong lần đầu đụng mặt con quái vật này, tôi còn suýt bật cười trước bộ dạng thảm hại như vua bò cạp và cái giọng rên xiết như bị viêm họng của nó. Tất cả những cảm giác này chỉ nhanh chóng mất đi khi con quái thú bắt đầu rượt đuổi Marianne khắp nơi trong môi trường màn chơi đến mệt nhoài, rồi lại chuyển qua những pha hành động lén lút kịch tính.

Đánh giá game The Medium

Đây cũng chính là kẻ thù nguy hiểm nhất mà người chơi đối mặt và thường tránh voi chẳng xấu mặt nào trong trải nghiệm The Medium. Những phân đoạn này khá căng thẳng, nhất là khi bạn phải bấm nút trên tay cầm để Marianne nín thở, thậm chí là cảm nhận được nhịp tim thông qua những rung động trên tay cầm. Tất nhiên nó không bằng tính năng phản hồi xúc giác như tay cầm DualSense của PS5 nhưng nếu được phát hành trên hệ máy của Sony trong tương lai, tôi cũng không chắc trải nghiệm game đặc trưng có tận dụng được điều này như Observer: System Redux không.

Điều thú vị là trò chơi sở hữu câu chuyện kể để lại khá nhiều cảm xúc. Sốc có, ngạc nhiên có và chắc chắn đủ sức để cuốn bạn vào trải nghiệm game chỉ để tìm hiểu tường tận câu chuyện kể. Thế nhưng, với The Medium thì đội ngũ phát triển Bloober Team không còn sử dụng những chiêu hù dọa cũ mèm như những tựa game trước đây của họ nữa. Câu chuyện kể trong game có sự “chín” hơn, trưởng thành hơn, sánh ngang những khía cạnh khác đã làm quá tốt là đồ họa, tiếng động, nhạc và phần thổi hồn xuất sắc cho các nhân vật của dàn diễn lồng tiếng tài năng.

Trò chơi có nhịp độ chơi khá chậm và mang nhiều âm hưởng của những tựa game kinh điển Silent Hill với cơ chế gameplay thú vị từ Blair Witch. Tuy nhiên, bạn đừng kỳ vọng The Medium sẽ là người kế thừa tinh thần của cái tên nói trên. Bloober Team chọn lối đi khác với tượng đài Silent Hill khi loại bỏ yếu tố chiếu đấu trong game. Điều duy nhất mà Marianne có thể làm khi đối mặt với nguy hiểm là bỏ chạy. Ở góc độ người chơi, tôi không nghĩ đây là điểm trừ của game, nhưng sự thiếu vắng yếu tố chiến đấu dễ để lại cảm giác trái chiều cho những ai thích trải nghiệm đa dạng.

Ngược lại, điểm trừ lớn nhất của trò chơi là cơ chế dual reality có thời lượng chỉ đâu đó khoảng 30% trải nghiệm là cùng. Bù lại, cơ chế giải đố liên quan đến nó càng lúc càng phức tạp hơn, trong khi câu chuyện cũng có sự chuyển mình thú vị. Từ ban đầu gây khó hiểu mà về sau càng hấp dẫn và cuốn hút hơn. Cái cảm giác khi Marianne biết được nguồn gốc sức mạnh của mình giống như cảm giác ráp mảnh ghép nhỏ xíu cuối cùng vào trò chơi xếp hình vậy. Tôi chỉ có nỗi buồn nhỏ không tên liên quan đến câu chuyện kể, nhưng xin dành cho bạn trải nghiệm và cảm nhận.

Đánh giá game The Medium

Sau cuối, The Medium mang đến một trải nghiệm kinh dị tâm lý khá đặc sắc, tận dụng được sức mạnh phần cứng mới một cách ấn tượng và xứng đáng là thành tựu về mặt kỹ thuật. Mặc dù cơ chế dual reality không giúp thay đổi hoàn toàn cảm giác trải nghiệm quen thuộc vì nhiều lý do, nhưng những gì mà cái tên này mang đến vẫn khiến nó xứng đáng có một vị trí trong thư viện game kinh dị của bạn, nhất là những bạn thích đào sâu vào cốt truyện.

The Medium hiện có cho PC (Windows) và Xbox Series X|S.

The Medium ($49.99 $44.99, Microsoft Store) →

The Medium ($ 44.99, Steam) →

Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ và được chơi trên Xbox Series X.

Tham gia cùng chúng tôi trên Steam  Xem thêm bài đánh giá các game khác
Tags: Công Nghệ

Đăng nhận xét

Tin liên quan

    эффективно вложить деньги