Đánh giá game ENCODYA
ENCODYA là game phiêu lưu giải đố point-and-click được chuyển thể từ phim hoạt hình ngắn Robot Will Protect You của đạo diễn người Ý Nicola Piovesan. Trò chơi sở hữu phong cách đồ họa gợi nhớ đến những bộ phim anime kinh điển của Studio Ghibli, mang nhiều yếu tố hài hước và lối chơi đặc trưng của tựa game point-and-click kinh điển Monkey Island. Thế nhưng, vấn đề lớn nhất của trò chơi là trải nghiệm mang nhiều cảm giác hoài cổ dù lấy bối cảnh cyberpunk trong tương lai loạn lạc. Điều này khiến nó trở thành cái tên khá kén người chơi.
ENCODYA là câu chuyện về cô bé mồ côi Tina 9 tuổi và người máy “hộ vệ” SAM-53. Trò chơi lấy bối cảnh thành phố Neo Berlin vào năm 2062 do thị trưởng Rumpf nắm quyền. Tuy nhiên, đây là vị chính khách thuộc loại quan tham với tính cách nóng nảy và có động thái “dọn dẹp” những cái gai và chướng ngại vật nhằm chuẩn bị tái tranh cử. Như bạn có thể đoán ra người không may mắn trong “danh sách đen” nói trên là nhân vật chính Tina. Cô bé này có liên quan gì đến Mayor Rumpf là điều mà tôi xin nhường lại cho bạn trong trải nghiệm game.
Về cơ bản, lối chơi point-and-click quen thuộc không có gì khác biệt trong ENCODYA. Tuy nhiên, thay vì điều khiển một nhân vật như phần lớn những tựa game cùng thể loại, người chơi phải chuyển đổi qua lại giữa hai nhân vật để tương tác với các NPC tương ứng. Chẳng hạn, SAM-53 có thể hỏi chuyện với các người máy khác hoặc những vấn đề liên quan đến công nghệ hay kỹ thuật trong khi Tina thì không thể. Tương tự, một số NPC không thoải mái khi nói chuyện với người máy nên chỉ Tina mới có thể giao tiếp và khai thác thông tin. Yếu tố tương tác cũng vậy.
Đơn cử như SAM-53 là người máy nên có thể dễ dàng nâng các vật nặng mà Tina lực bất tòng tâm. Ngược lại, nhờ cơ thể nhỏ con mà cô bé 9 tuổi này lại có thể di chuyển linh hoạt vào những không gian nhỏ hẹp mà thân hình “chà bá” của SAM-53 không chui lọt. Mối quan hệ giữa hai nhân vật này là điểm cộng thú vị trong suốt trải nghiệm game, đôi lúc khiến người viết phải bật cười khi nghe cả hai trò chuyện. Tôi chỉ có chút khúc mắc với việc Tina còn nhỏ như thế mà đã có quan điểm chính trị mạnh mẽ thì hình như có gì đó sai sai.
Bỏ qua vấn đề đó, điểm trừ lớn nhất của ENCODYA là câu đố không có sự sáng tạo cần thiết để thu hút người chơi lâu năm của thể loại này như tôi. Trải nghiệm game có vẻ hướng đến người chơi mới làm quen với thể loại phiêu lưu giải đố point-and-click nhiều hơn. Đó là tôi còn chơi ở thiết lập Hard, không có gợi ý giải đố nào từ nhân vật SAM-53 cũng chẳng có tính năng điểm sáng các vật phẩm mà bạn có thể thu thập. Ở thiết lập này, bạn còn phải dò con trỏ chuột trong từng khung cảnh để tìm vật phẩm như mò kim dưới đáy bể, khá là mất thời gian.
Nếu không đủ kiên nhẫn với lối chơi “mò kim trong điểm ảnh” như những năm 90, bạn có thể lựa chọn thiết lập Easy. Tuy nhiên, thiết lập này cũng có đôi điều cần bàn. Đầu tiên là nó chỉ giúp điểm sáng những vật phẩm mà bạn có thể nhặt ngay và luôn chứ không phải những thứ có thể tương tác. Vấn đề nữa là gợi ý từ SAM đòi hỏi người chơi phải đưa ra nhiều lựa chọn lời thoại khi đang điều khiển Tina, trong khi những lời gợi ý gần như vô dụng nên rất dễ gây ức chế. Không hiểu sao nhà phát triển lại thiết kế hệ thống gợi ý phức tạp và rắc rối như vậy làm gì?
Ở khía cạnh giải đố, ENCODYA không làm khó bạn với những câu đố mang tính thử thách trí tưởng tượng của người chơi như cái tên kinh điển Monkey Island. Thay vào đó, hầu hết câu đố đều có tính logic và khá đời thường, chỉ dừng ở mức thử thách chứ không bào mòn sự kiên nhẫn của người chơi. Tôi không biết nên xem đây là điểm trừ hay điểm cộng, nhưng định hướng này giúp trải nghiệm game dễ tiếp cận với người chơi mới hơn. Thế nhưng, điều đó cũng đồng nghĩa người chơi lâu năm của thể loại này sẽ kém hào hứng hơn như trường hợp của người viết.
Một vấn đề có thể thiên về cảm nhận của mỗi người là khía cạnh hài hước trong ENCODYA. Nó không đủ khiến tôi cảm thấy bật cười như Sam & Max Save the World nếu không nói là hơi nhạt. Ngược lại, trò chơi khiến tôi hào hứng với cảnh nền tuyệt đẹp nhiều hơn. Từ những cơn mưa hay ánh đèn nhiều màu sắc cho đến hiệu ứng ánh sáng dịch chuyển theo từng khung cảnh với mức độ chi tiết cao. Tất cả cùng góp phần tạo nên sự rực rỡ và sống động của thành phố Neo Berlin. Ngay cả âm nhạc cũng là điểm cộng của trò chơi và được sáng tác phù hợp với bối cảnh game.
Lồng tiếng tuy không thuộc dạng xuất sắc nhưng cũng gọi là tròn vai. Tôi có cảm giác chất giọng của các diễn viên lồng tiếng khá phù hợp với chủ đề và âm điệu trải nghiệm ENCODYA. Câu chuyện kể tuy không thuộc hàng “tuyệt đỉnh” nhưng được lồng ghép hài hòa vào trải nghiệm, đặc biệt là tận dụng tốt bối cảnh cyberpunk của thành phố Neo Berlin. Dù vậy, khía cạnh tương tác lại có quá nhiều thao tác thừa, không phù hợp với thế giới hiện đại mà trải nghiệm game mang đến. Một hành động nào đó thường đòi hỏi người chơi phải nhấp chuột nhiều lần để thực hiện.
Điều này có thể rất bình thường trong phần lớn những cái tên phiêu lưu giải đố kinh điển, nhưng việc tương tác lề mề như thế lại khá mâu thuẫn với bối cảnh tương lai hiện đại của game. Tôi không thể không nhận thấy trò chơi có vài định hướng thiết kế tự mâu thuẫn với nhau. Cảm giác như đội ngũ phát triển cũng lúng túng không biết nên lựa chọn định hình trò chơi như thế nào, dẫn đến sự thiếu nhất quán trong thiết kế ENCODYA. Tuy tôi không xem đây là điểm trừ nhưng nếu được điều chỉnh sẽ giúp cảm giác trải nghiệm tốt hơn rất nhiều.
Sau cuối, ENCODYA mang đến một trải nghiệm phiêu lưu giải đố point-and-click với bối cảnh cyberpunk hấp dẫn cùng khía cạnh giải đố và nghe nhìn được xây dựng khá tốt. Mặc dù trò chơi vướng phải vài vấn đề thiết kế chưa nhất quán, nhưng đây vẫn là cái tên rất đáng chú ý với những ai bạn yêu thích dòng game đòi hỏi chút kiên nhẫn, nhất là người chơi mới của thể loại ít có sự biến tấu và đổi mới từ xưa đến nay.
ENCODYA hiện chỉ có cho PC (Windows, macOS, Linux).
Bài viết sử dụng game do nhà phát hành hỗ trợ.
Tham gia cùng chúng tôi trên Steam Xem thêm bài đánh giá các game khác
Đăng nhận xét