Sao Việt và cuộc khủng hoảng vượt tầm kiểm soát mang tên 'antifan': Đừng đánh giá thấp phản ứng của dư luận!
Cùng với những biến động của xã hội, trong năm 2020 showbiz Việt cũng xảy ra không ít sóng gió làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp của hàng loạt ngôi sao. Đáng nói nhất, nhiều khái niệm mới xuất hiện trong làng giải trí như "group antifan", "antifan"... Cùng với đó hành động "bắt tay đám đông" thả icon phẫn nộ, bình luận #tẩychayabcxyz cũng bắt đầu nở rộ khắp nơi.
Tuy nhiên, bất kì câu chuyện nào cũng phải có lý do, như ông bà ta thường nói "không có lửa làm sao có khói". Những drama diễn ra trong showbiz Việt ngày càng căng thẳng và đi đến cao trào khi nghệ sĩ có những hành động phản bác lại, công khai đối đầu với antifan hoặc... im lặng mặc kệ làn sóng tẩy chay.
Nhìn nhận vào thực tế câu chuyện của Hương Giang, Sơn Tùng… cùng rất nhiều sao Việt khác, đã đến lúc chúng ta trả lời câu hỏi: Đối đầu với dư luận, nên hay không?
"Chiến" với antifan: Lợi - Hại ra sao?
Gần đây nhất, lần hiếm hoi Sơn Tùng M-TP vướng vào drama tình cảm và khiến dư luận dậy sóng. Mặc dù chưa biết thực hư câu chuyện thế nào, đàng trai và đàng gái vẫn chưa lên tiếng giải thích bất kì điều gì, tuy nhiên dân mạng đã mở cuộc "tổng tấn công" người trong cuộc. Chỉ với hành động unfollow nhau cùng những thông tin lan truyền chưa xác định đúng - sai, dân mạng đã đồng loạt kêu gọi tẩy chay Sơn Tùng vì cho rằng anh là người bội bạc, Thiều Bảo Trâm - Hải Tú cũng không tránh khỏi làn sóng chỉ trích.
Giữa bão công kích, Sơn Tùng đã hạn chế phát ngôn, anh chỉ 1 lần duy nhất đứng phía sau cánh gà để tâm sự với khán giả. Thay vì lên tiếng phủ nhận hoặc xác nhận những việc đang diễn ra, Sơn Tùng lại chọn cách úp úp mở mở bằng lời chia sẻ dài về "tình yêu thanh xuân" và kết lại bằng 2 chữ "Thương em". Nhưng có ai ngờ được, 2 chữ "Thương em" đã khiến cả sự nghiệp cố gắng gây dựng hơn 1 thập kỷ của Sơn Tùng M-TP bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bởi lẽ, giữa hàng loạt thông tin trên MXH về drama "trà xanh" đang bất lợi cho Tùng, thời điểm đó, dân mạng rất nhạy cảm với mọi nhất cử nhất động của người trong cuộc. Màn phát biểu của Tùng không sai, anh chỉ muốn công khai gửi lời tình cảm cuối cùng và đầu tiên cho cô gái gắn bó với mình cả thanh xuân. Cái sai ở đây là Sơn Tùng đã tạo ra "cuộc chiến im lặng" với antifan, nhưng sau cùng lại lên tiếng úp mở và đánh giá sai phản ứng của dân mạng. Khán giả là người góp phần đưa một người lên thành ngôi sao hạng A thì cũng có thể khiến người đó mất tất cả nếu không có hướng giải quyết lùm xùm khôn khéo.
Cái sai thứ 2 trong câu chuyện này là, trên cương vị Chủ tịch của công ty do anh điều hành, nhưng Sơn Tùng đã không có bất kì động thái nào để làm rõ mọi việc hay lên tiếng bảo vệ nghệ sĩ của công ty - Hải Tú giữa làn sóng chỉ trích. Chưa biết mối quan hệ thật sự của Sơn Tùng và Hải Tú như thế nào, tuy nhiên việc anh để nghệ sĩ của công ty bơ vơ giữa "bão" dư luận đã bị công chúng đánh giá là thiếu chuyên nghiệp và không tôn trọng khán giả.
Đồng ý là việc công ty có định hướng riêng, đôi khi im lặng cũng là 1 cách để bảo vệ Hải Tú - Sơn Tùng và cả Thiều Bảo Trâm. Tuy nhiên, tính chất sự việc ngày càng nghiêm trọng, Hải Tú có nguy cơ bị "tẩy chay" và "đóng cửa" mọi cơ hội tiến vào showbiz ngay khi sự nghiệp chỉ mới bắt đầu ít tháng. Đến lúc mọi chuyện bị đẩy lên đến đỉnh điểm, công chúng cho rằng công ty của Sơn Tùng không nên im lặng nữa!
Nhìn vào cách công ty nước ngoài bảo vệ "gà cưng" khi bị lùm xùm sẽ nhận ra hạn chế trong cách xử lý của công ty Sơn Tùng. Trong thị trường giải trí hùng mạnh như Hàn Quốc hay Trung Quốc, các nghệ sĩ sẽ đầu quân vào các công ty giải trí lớn để định hướng hình ảnh và hỗ trợ xử lý khủng hoảng truyền thông khi phát sinh. Chính vì điều này, khi có bất kì nghệ sĩ nào vướng lùm xùm, công ty sẽ đại diện lên tiếng. Ngay thời điểm đó, câu trả lời có thể chưa thoả đáng với những gì người hâm mộ chờ đợi, nhưng lại phản ánh thái độ làm việc chuyên nghiệp và tôn trọng khán giả.
Giữa "bão" dư luận, công ty của Sơn Tùng chưa có bất kì động thái nào để bảo vệ nghệ sĩ của công ty. Con đường vào showbiz của Hải Tú vừa mới bắt đầu ít tháng đã có nguy cơ phải tạm ngừng
Với 2 cái sai cơ bản trên, Sơn Tùng đã phải trả cái giá rất đắt trong cuộc chiến của sự im lặng với antifan. Sơn Tùng là ca sĩ sở hữu lượng fan khủng, là "ông hoàng MXH" của showbiz Việt nên những "sóng gió" anh phải nhận từ dân mạng sẽ nằm ở mức độ mạnh, gắt hơn gấp nhiều lần các nghệ sĩ khác. Bằng chứng là ngay thời điểm Sơn Tùng nói 2 từ "Thương em", trang Instagram của anh đã mất ngay 4.000 followers. Con số 4.000 rất nhỏ trong tổng hơn 6.000.000 người theo dõi nam ca sĩ, nhưng không ai có thể cam kết rằng số người unfollow chỉ dừng ở mức này. Thậm chí, 1 người từng là fan cứng suốt 10 năm của Sơn Tùng cũng để lại bình luận: "Thần tượng anh suốt 10 năm qua nhưng sau chuyện này xin phép bỏ theo dõi".
Đồng thời, trang Fanpage khủng nhất nhì Vbiz của Sơn Tùng cũng đứng trước nhiều nguy cơ bị "sập" do quá nhiều netizen đồng loạt để lại đánh giá thấp. Đa số ý kiến giải thích cho việc vote 1 sao đều đến từ việc công ty không có động thái bênh vực hay đứng ra giải thích trong khi diễn viên độc quyền Hải Tú đã vướng phải ý kiến chỉ trích dữ dội.
Hết Instagram cá nhân, Fanpage, Website,… antifan tràn vào luôn cả YouTube - nơi Sơn Tùng phát hành các sản phẩm âm nhạc - để "khiêu chiến". Chỉ trong vòng ít tiếng sau màn phát biểu "Thương em", kênh YouTube mất 10 nghìn lượt theo dõi. Đây có thể là lần giảm follower mạnh nhất trong suốt 7 năm sự nghiệp của Sơn Tùng.
MV Chúng Ta Của Hiện Tại từng gây bão, đạt 20 triệu views sau 48 giờ ra mắt và đứng đầu nhiều bảng xếp hạng âm nhạc. Tuy nhiên, khi drama "trà xanh" bùng nổ, chỉ trong 35 giờ, MV này đã nhận về hơn 25 nghìn lượt dislike. Đáng báo động, đến tối ngày 29/12, con số này đã lên đến gần 90 nghìn lượt dislike.
Với làn sóng antifan như thế này cùng diễn biến ngày càng phức tạp của lùm xùm "trà xanh", không ai đoán được Sơn Tùng sẽ tiếp tục tổn thất như thế nào nữa.
Trước khi ồn ào của Sơn Tùng xảy ra, Hương Giang cũng là 1 trong những nghệ sĩ gặp sai lầm khi đánh giá tầm ảnh hưởng của "thế lực" dân mạng. Sau 1 phen tìm đến tận nhà đối chất với antifan, tung hàng loạt biên bản, giấy tờ làm việc với cơ quan chức năng, làn sóng chỉ trích Hương Giang không giảm đi mà còn mạnh mẽ hơn.
Lùm xùm mà Hương Giang gặp phải chỉ bắt nguồn từ việc cô hay nói đạo lý nhưng không nhất quán trong quan điểm nên khiến khán giả khó chịu. Group antifan Hương Giang ban đầu lập ra chỉ vì nguyên nhân đó. Tuy nhiên, sau khi Hương Giang tuyên bố đanh thép đối đầu với antifan, tung tập đầu tiên và duy nhất trong seri Sao Kết Bạn Với Antifan lên trang YouTube, mọi chuyện bỗng chuyển biến lệch hướng và ngày càng phức tạp.
Bằng chứng là các nhãn hàng do Hương Giang làm đại diện lần lượt bị tấn công trên diện rộng, các sản phẩm bị đánh giá thấp vô tội vạ. Đáng nói, tiêu chí đánh giá không hề liên quan đến công dụng hay chất lượng của sản phẩm mà chỉ vì khán giả không thích Hương Giang. Cũng chính vì điều này, các thương hiệu cũng dè chừng khi mời Hương Giang hợp tác. Trong 1 sự kiện nữ ca sĩ lộ diện giữa lùm xùm, nhãn hàng đã phải cố tình chọn những góc quay khác nhau để hạn chế Hương Giang lên sóng.
Tổn thất của Hương Giang chưa dừng lại ở đó, nữ ca sĩ còn phải viết thư tay xin rút khỏi dàn khách mời của 1 đêm thi Hoa hậu Việt Nam 2020. Đây có thể là lần hiếm hoi nghệ sĩ Vbiz phải xin rút lui vì sự tấn công quá dữ dội của dân mạng. Cùng thời điểm này, đạo diễn của Hoa hậu Việt Nam 2020 cũng lên tiếng: "Là một ca sĩ, khi lên sân khấu biểu diễn khi không thấy sự thanh thản và thăng hoa trong tâm hồn trước những biến động xung quanh thì cũng không còn gì ý nghĩa. Cô ấy đã có một quyết định đầy trách nhiệm, tôi nghĩ vậy".
Là nghệ sĩ phủ sóng dày đặc trên các show truyền hình, tuy nhiên vì đánh giá sai phản ứng của dư luận, Hương Giang đã phải tạm hạn chế xuất hiện suốt 10 ngày liền. Như nhà báo Nguyễn Phong Việt từng chia sẻ: "Bản lĩnh của Giang khi đối mặt với mọi thứ vẫn còn non nớt, nhất là Giang không phải là không từng đối diện với những scandal ảnh hưởng đến uy tín cá nhân trong quá khứ".
Về clip dài hơn 18 phút Hương Giang đối đáp với antifan, rõ ràng Hương Giang đã quá manh động. Chính việc đánh đồng một cá nhân xúc phạm thành antifan đã khiến cuộc chiến thêm căng thẳng. 1 nước cờ lệch hướng này đã khiến Hương Giang bị tổn thất nặng nề. Nếu vẫn tiếp tục cuộc chiến với antifan theo hướng này, hậu quả e rằng sẽ vượt quá tầm kiểm soát của Hương Giang và ekip.
Sự vòng vo, thách đố dư luận của Hương Giang cũng giống như cái sai của Trịnh Sảng khi đối mặt với drama mang thai hộ và từ chối nhận 2 con. Hành động vi phạm chuẩn mực đạo đức và thiếu nhân văn của Trịnh Sảng đã khiến cô đánh mất chiếc "chìa khoá" để mở cánh cửa trở lại hào quang của showbiz Hoa ngữ. Không chọn cách im lặng, Trịnh Sảng đã lên tiếng giữa ồn ào, nhưng cách nói không đi đúng trọng tâm của cô đã khiến làn sóng dư luận thêm cao trào. Sức mạnh của "thế lực" dư luận cũng được coi là 1 trong những lý do khiến cơ quan quản lý điện ảnh, diễn viên của Trung Quốc đưa ra quyết định cấm sóng Trịnh Sảng vào lúc 1 giờ sáng.
Hương Giang và Trịnh Sảng vô tình phạm cùng 1 lỗi sai khi đối diện với sóng gió dư luận
Ở Hàn Quốc, Park Yoo Chun từng vướng vào lùm xùm liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma tuý và nói dối trước truyền thông vào năm 2019. Trước sức ép quá lớn đến từ antifan, Park Yoo Chun đã tuyên bố giải nghệ và rút lui khỏi làng giải trí. Tuy nhiên, đến năm 2020, anh rút lại thông báo giải nghệ và công bố chuẩn bị ra mắt sản phẩm mới. Tất nhiên, công chúng không thể chấp nhận nghệ sĩ gian dối.
Lên tiếng để nói rõ những ồn ào là đúng, nhưng nghệ sĩ cần cẩn trọng cao độ và chọn đúng thời điểm để lên tiếng. Trên hết, dân mạng của thế kỷ 21 không dễ dắt mũi, đừng giữa lùm xùm A nhưng lên tiếng về vấn đề B rồi đánh trống lảng sang chuyện C. Nếu định hướng xử lý khủng hoảng của nghệ sĩ diễn ra theo trình tự như thế này thì lùm xùm mãi mãi không được giải quyết mà ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí vượt tầm kiểm soát.
Mối quan hệ giữa sao và dư luận: Nên tôn trọng lẫn nhau!
Hàn Quốc được coi là đất nước có nền giải trí phát triển mạnh mẽ và cũng vô cùng khắt khe. Sự ra đi đầy thương tâm của Sulli, Goo Hara trong năm 2019-2020 đã phần nào cho thấy rõ thực trạng áp lực mà nghệ sĩ trẻ phải chịu đựng và giới hạn của họ trước sức mạnh của công chúng. Thời điểm đó, 20.000 người đã để lại chữ ký tán đồng cho đề xuất bảo vệ nghệ sĩ khỏi bình luận độc hại: "Cách đây không lâu, chúng tôi cũng mất một người vì bình luận ghét bỏ. Chuyện này không thể tái diễn. Xin hãy bảo vệ người dân khỏi những lời chỉ trích đang lan truyền như virus".
Sẽ chẳng có nguyên tắc nào quy định khán giả phải yêu mến nghệ sĩ, cũng chẳng có luật nào bắt buộc bạn không được ghét bỏ 1 ai đó. Nhưng, bất kì mối quan hệ nào cũng nên có giới hạn nhất định. Đừng vì muốn chứng minh mình là "anh hùng bàn phím", đi theo đám đông mà có những hành động quá khích, gây nên hậu quả nghiêm trọng.
Hãy 1 lần thử đặt mình vào vị trí của các ngôi sao để hiểu được những tổn thương, áp lực họ phải chịu mỗi ngày. Xin hãy nhớ, chẳng ai muốn kết thúc cuộc đời ở độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Nhìn sâu xa vấn đề hơn, "sợi dây thừng" gián tiếp đưa Sulli, Goo Hara... cùng nhiều nghệ sĩ đi đến cái chết chính là những bình luận ác ý từ cuộc "tổng tấn công" của antifan hay thậm chí là... antifan phong trào.
Nói về cách công ty giải trí hay ekip nghệ sĩ đối mặt với dư luận. Có thể thấy rằng tại Việt Nam, cách đa số các công ty giải trí dùng để xử lý khi nghệ sĩ gặp scandal là: "Hiện tại, công ty ABC của ca sĩ D không lên tiếng về chuyện này" hoặc thậm chí họ còn ngắt ngang khi báo chí liên lạc. Nhưng đáng nói, có nhiều nghệ sĩ và ekip không đưa ra thông tin chính thức trước truyền thông mà sẽ lên MXH để "đá xéo" chuyện này. Việc úp úp mở mở và cố tình tạo thêm tình tiết trong "drama" của nhiều sao Vbiz ngày càng khiến công chúng ngán ngẩm.
Đối phó với làn sóng antifan ở nước ngoài là cả một câu chuyện dài, một bài toán khiến các công ty truyền thông, giải trí lớn phải đau đầu giải quyết mỗi ngày. Còn ở Việt Nam, một bộ phận giới nghệ sĩ cùng các ekip làm truyền thông thật sự quá dửng dưng và chủ quan trong cách nhìn nhận vấn đề.
Với nghệ sĩ và ekip làm truyền thông, nếu định hướng trong việc giải quyết khủng hoảng thì câu chuyện sẽ không đừng lại ở việc bị ảnh hưởng hình ảnh mà đó là cả một "bài toán kinh tế". Dù bạn từng là ngôi sao hạng A, từng mang về doanh thu khủng khi đại diện nhãn hàng, nhưng việc mời nghệ sĩ hợp tác trong lúc vướng lùm xùm là "con dao 2 lưỡi". Nhãn hàng luôn khôn ngoan và chọn phương án an toàn cho họ, không ai đủ dũng cảm mời một nghệ sĩ làm đại diện thương hiệu trong khi người nghệ sĩ đó có group antifan hơn trăm nghìn người.
Trịnh Sảng là 1 ví dụ rõ ràng và cũng gây chấn động nhất ở thời điểm hiện tại. Cô đã phải bồi thường số tiền 3.300 tỷ đồng khi có scandal làm ảnh hưởng đến hàng loạt nhãn hàng, đơn vị lớn.
Hướng đi nào cho xử lý khủng hoảng liên quan đến antifan?
Một trong những cuộc chiến không cân sức về người lẫn lý là nghệ sĩ và antifan. Tuy nhiên, cái sai của nghệ sĩ trong hàng loạt cuộc chiến là họ đã quy chụp khái niệm cá nhân tấn công thành tập thể antifan. Nếu một cá nhân nào đó có hành vi nói xấu, bôi nhọ, lăng nhục, xúc phạm, dựng chuyện thì họ nên tìm người đó để giải quyết. Không nên vì một cá nhân mà đánh đồng mọi tiếng xấu lên một cộng đồng. Đặc biệt, khi nhận những góp ý từ antifan, sao Vbiz nên dành thời gian nhìn nhận lại bản thân và khắc phục thay vì lên tiếng đôi co 1 chọi 1 với antifan.
Xét về lực lượng, nhìn vào con số hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên trong các hội nhóm antifan cũng đủ hiểu "thế lực" antifan khủng thế nào. Thậm chí, có nhiều người ban đầu gia nhập nhóm chỉ vì tò mò, tuy nhiên nếu nghệ sĩ có động thái coi thường dân mạng, họ sẽ "quay xe" trở thành hội viên cứng ngay và luôn. Nếu đám đông này cùng phối hợp để mạt sát, tấn công 1 cá nhân thì việc khiến người bị "dính đạn" thân bại danh liệt cũng không quá khó khăn.
Còn nghệ sĩ, họ chỉ có những người cộng sự (hoặc không có) đứng ra tư vấn phía sau chứ khó lòng ra mặt trực tiếp. Nghệ sĩ sẽ đơn độc bước vào cuộc chiến này và tất nhiên họ phải chấp nhận rằng hình ảnh, hào quang xây dựng suốt bao năm sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Cách xử lý của nghệ sĩ giữa drama tấn công, nếu lệch hướng thì không chỉ hình ảnh cá nhân mà cả kinh tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Cái khó của người nghệ sĩ, nếu im lặng quá lâu sẽ bị chỉ trích là thái độ thờ ơ, xem thường dư luận. Nhưng nếu lên tiếng nói rõ quan điểm cá nhân, từng lời từng chữ cũng bị đem ra "mổ xẻ", hàng loạt câu chuyện trong quá khứ cũng bị khui lại nếu câu trả lời của họ không đáp ứng đúng những gì khán giả muốn nghe. Vì vậy, việc lên tiếng đúng trọng tâm đúng thời điểm sẽ thể hiện thái độ tôn trọng của nghệ sĩ với công chúng. Nghệ sĩ vốn là làm dâu trăm họ, danh tiếng sự nghiệp đều phụ thuộc vào công chúng. Nghệ sĩ và antifan là mối quan hệ không ai mong muốn nhưng vẫn tồn tại như một lẽ tất yếu trong showbiz. Trong mối quan hệ ấy, nghệ sĩ phải luôn bình tĩnh để có cách ứng xử khôn khéo nhất, tránh những cãi vã không cần thiết, tránh gây tổn thương cho mình và người khác.
Tóm lại, nghệ sĩ nhờ pháp luật can thiệp, lên tiếng minh oan hoặc có loạt động thái trước ồn ào đời tư là không sai. Tuy nhiên, trước bất kì bước đi nào, sao Vbiz cũng nên nhìn nhận rõ tầm ảnh hưởng của dư luận. Đây chắc chắn là "con dao 2 lưỡi", chơi liều thì sẽ bị thương và nhận về hậu quả khó lường. Nghệ sĩ của năm 2021 nên ý thức được việc xu hướng "tẩy chay", antifan ngày càng diễn biến phức tạp và hệ luỵ khó lường. Showbiz càng phát triển, càng đi lên thì yếu tố tiêu cực cũng dần biến chứng. Các nghệ sĩ và ekip hãy cẩn trọng và chọn phương án tốt nhất để giảm bớt thiệt hại nếu gặp phải làn sóng tấn công. Đúng thời điểm và đúng trọng tâm là tiêu chí tiên quyết!
Người thiệt trong cuộc chiến này chỉ là nghệ sĩ. Nghệ sĩ dành cả thanh xuân để chinh phục người hâm mộ, đừng tự đánh sụp tất cả vì đánh giá sai phản ứng của dư luận.
Đăng nhận xét